Diễn đàn đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ bảy, 07/11/2020 - 09:18

TNV - Vừa qua tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh trạnh phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Diễn đàn "Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 - 2030".

Diễn đàn đã bàn về nhiều giải pháp và nội dung quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững nhằm phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương khẳng định: Việt Nam rất có tiềm năng phát triển kinh tế số. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới. Số người tham gia mua sắm trực tuyến từ năm 2015 chỉ 30.3 triệu người đã tăng lên 44.8 triệu người vào năm 2019. Tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng tăng lên nhanh chóng từ 54% lên 66% vào năm 2019.

Du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ. Đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 thì đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực có kỹ năng số, theo dự đoán năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu. Ngoài ra còn một lý do nừa là khả năng tiếp cận giáo dục thấp, học sinh ở nông thôn ít có cơ hội việc làm và chất lượng cuộc sống thấp hơn do hạn chế trong việc tiếp cận với giáo dục kỹ năng số. Bên cạnh đó có sự khập khiễng giữa chương trình giảng dạy và kỹ năng công việc yêu cầu trên thực tế: kỹ năng gioa tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng sang tạo của lực lượng lao động Việt Nam còn kém. Một vấn đề cuối cùng là đào tạo kỹ năng mới có thể không đáp ứng kịp với tốc độ gián đoạn việc làm số, lực lượng lao động không có tay nghề chủ yếu làm các công việc có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Chung – Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, hiện Việt Nam là quốc gia lạc quan nhất về tình hình kinh tế sau đại dịch Covid-19 trong khu vực Châu Á. Để đạt được điều đó, bà Nguyễn Thị Bích Chung cho biết đó là cả sự thay đổi cả về tư duy, lối sống và cách quản lý tài chính của người Việt cũng như sự nỗ lực của các Bộ, Ban, Ngành có liên quan trong công cuộc xây dựng lại nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ôgn Trần Nguyên Phúc – Đại diện dự án Intage Việt Nam chia sẻ: Trong 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với những bước đột phá lớn. Cùng với sự mở rộng của thị trường và ngành hàng, người tiêu dùng nội địa do đó cũng trở nên tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn.

Và điều đó đã đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc nắm bắt xu hướng và đổi mới phát triển sản phẩm nhằm đón đầu thị trường. Tuy nhiên, những phương thức tìm hiểu người tiêu dùng hiện tại hầu hết chỉ đang giải quyết những vấn đề ở bề nổi của tảng băng chìm. Do đó, một doanh nghiệp đột phá là một doanh nghiệp có khả năng gạt bỏ đi những quan niệm cố hữu và đi sâu vào nhận thức của khách hàng để hiểu họ một cách toàn diện hơn, khi mà những lợi thế cạnh tranh cơ bản về chất lượng và giá cả đang dần được cân bằng. Vì vậy để thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm dựa trên sự thấu hiểu sâu khách hàng bằng giải pháp công nghệ.