Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Thứ năm, 08/08/2024 - 08:46

TNV - Chiều ngày 7/8 tại Hà Nội, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Diễn đàn tập trung vào các nội dung như: Hiện trạng mô hình tăng trưởng của Việt Nam và một số định hướng; Giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam; Đổi mới mô hình tài chính và tăng cường hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Mô hình doanh nghiệp Chuyển đổi kép tại Việt Nam; Vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Tham dự diễn đàn có các chuyên gia kinh tế: GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; PGS. TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; TS. Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB.

ảnh 1: Ông Hà Khắc Minh - Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phát biểu Khai mạc Diễn đàn

Ông Hà Khắc Minh - Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phát biểu Khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, ông Hà Khắc Minh - Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp cho biết, chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã được Đảng ta nêu ra ở Đại hội lần thứ XI và được bổ sung phát triển ở các kỳ Đại hội XII và XIII. Tại Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế". Đây là quan điểm mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Đảng ta về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững toàn diện kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây nên những tác động xấu. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, mô hình tăng trưởng kinh tế thể hiện một quốc gia phát triển nhanh/chậm, dựa vào động lực nào và yếu tố nào là chính, cơ cấu có hiện đại hay không, chất lượng/không chất lượng của tăng trưởng như thế nào?/

Tọa đàm đối thoại: Chiến lược đổi mới kinh tế: Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tọa đàm đối thoại: Chiến lược đổi mới kinh tế: Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Tuấn, hiện nay đóng góp của vốn và vốn con người có xu hướng gia tăng. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Do đó, đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 - 2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…

Ông Bùi Quang Tuấn cho hay, Đại hội XIII phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cũng tại Diễn đàn, TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, hiện trạng cơ cấu sản xuất, dịch vụ tại Việt Nam hiện nay gồm dịch vụ chiếm 43,65%; công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%; nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 11,66%.

Xu hướng chuyển đổi hiện nay là tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,1% (2010) lên 38,1% (2023), dự kiến đạt 40% vào năm 2030. Dịch vụ duy trì vai trò chủ đạo chiếm khoảng 50% GDP trong suốt giai đoạn, dự kiến tiếp tục ổn định ở mức 50% đến năm 2030. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% (2010) lên 25% (2023), mục tiêu đạt trên 30% vào năm 2030. Kinh tế số chiếm khoảng 14,3% GDP (2023), mục tiêu đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu; Mục tiêu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, trong quá trình chuyển đổi Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Đó là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Các thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu minh bạch. Hệ thống giao thông, logistics còn hạn chế ở nhiều nơi. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền. Phát triển công nghiệp nhanh dẫn đến ô nhiễm gia tăng. Lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; cần cải cách giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng.

Diễn đàn "Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam" được tổ chức trong bối cảnh Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết này nhằm mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý và hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực và toàn nền kinh tế, đồng thời chuyển biến rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu cùng sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu, Diễn đàn sẽ mang lại những giải pháp thiết thực và hiệu quả cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Doãn Mai