TNV - Ngày 11/12 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng”.
Sự phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu, trọng tâm và sự lựa chọn của các chính phủ, các tổ chức, hiệp hội và là cái gốc để doanh nghiệp tiến nhanh và tiến xa hơn trong hành trình chinh phục các thị trường. Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký PhòngThương mại và Công nghiệp Việt Nam,
Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự pháttriển bền vững của Việt Nam
phát biểu tại Diễn đàn.
Năm 2018 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng GDP trên 7%, ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, qua 11 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.
Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả
Để khắc phục những tồn tại này, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện, thúc đẩy Doanh nghiệp phát triển bền vững gắn liền với cộng đồng, thúc đẩy các Doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận song hành với việc đảm bảo đóng góp giá trị với xã hội.
Tại Diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng - Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Namcho biết:Nhìn nhận một cách toàn diện thì hiện nay còn rất nhiều Doanh nghiệp hiện chưa định hướng được chính sách, chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững: chưa rõ mục tiêu kinh doanh của mình, hệ thống quản trị Doanh nghiệp hiệu quả để giúp Doanh nghiệp phát triển bền vững và giải phóng sức lao động cho đội ngũ lãnh đạo, chưa xây dựng và duy trì văn hóa Doanh nghiệp, chưa có sự đổi mới, sáng tạo, đi theo lối mòn.
Tôn vinh 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019.
Vì vậy, ông chia sẻ: “Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng” sẽ là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của Doanh nghiệp Việt Nam, từ đó cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng trên cơ sở các hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp.Diễn đàn sẽ là nơi lan tỏa đến toàn thể doanh nghiệp Việt về tầm quan trọng của trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển Doanh nghiệp nói riêng, ổn định nền kinh tế nói chung, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Cũng tại Diễn đàn lần này, ông Nguyễn Đức Thuận – Phó chủ tịch thứ nhất Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh:Để hướng tới phát triển bền vững đối với doanh nghiệp trong quản trị chiến lược cần đổi mới hệ thống quản trị theo những mục tiêu cụ thể sau đây:Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sáng tạo đổi mới công nghệ, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; Nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền trong mọi hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp phải coi pháp luật là một công cụ quan trọng trong toàn bộ hệ thống quản trị của doanh nghiệp mình.; Tham gia đóng góp vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng nói chung và trong mọi hoạt động doanh nghiệp nói riêng.
Diễn đàn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các cơ quan ban ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, cùng chia sẻ về những kinh nghiệm để phát triển doanh nghiệp bền vững và vẫn thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng.
An Hiếu