TNV - Ngày 18/06 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng một số cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp”.
Chương trình được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn đa chiều, thảo luận về tình hình kinh tế và phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam. Đây là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế và định hướng cho những năm tiếp theo, thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế như: TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Võ Trí Thành – Chuyên gia Kinh tế - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam; TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ; Đại diện Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục Trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu Tư; Bà Nguyễn Thy Nga – Giám đốc V-Startup Việt Nam; Ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch VMCG.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chia sẻ: Trong suốt chặng đường phát triển, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp quy. Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá, số các doanh nghiệp đang hoạt động đã tăng hơn 13,3 lần trong giai đoạn 2000-2015 và vào năm 2018, tổng số doanh nghiệp đã đạt trên 700 nghìn doanh nghiệp, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đây là một bộ phận quan trọng của xã hội, tạo ra công ăn, việc làm, sản xuất ra của cải, vật chất và có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước.
Ngoài những thành tựu đã đạt được, ông cũng chỉ ra một số tồn tại của doanh nghiệp hiện nay như: Phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước còn có qui mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế. Từ đó ông cũng nêu ra một số đề xuất về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
Diễn đàn được chia thành 2 phần: Phần 1 với chủ đề “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển”; Phần 2 với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.
Tại Diễn đàn, các diễn giả và khách mời sẽ cùng nhau phân tích, làm rõ nhiều nội dung đáng quan tâm như: Bức tranh toàn cảnh về phát triển doanh nghiệp; Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế mới; Vai trò của chính phủ đối với việc phát triển doanh nghiệp hiện nay; Định hướng phát triển doanh nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập, Chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến phát triển của Doanh nghiệp; Khởi nghiệp đối mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Tại diễn đàn, trong báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2018 đã có những nhận định về những thuận lợi và khó khăn, xu hướng phát triển của doanh nghiệp năm 2019.
Năm 2019 số lượng doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ. Dự kiến số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt khoảng 140.000 doanh nghiệp. Cơ cấu số lượng và vốn đăng ký của các doanh nghiệp trong một số ngành nghề sẽ tiếp tục có thay đổi phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu của nền kinh tế và kỳ vọng phát triển ở một số ngành mới liên quan đến sản xuất chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
Sự cạnh tranh trong thu hút FDI đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực, do đó vốn đăng ký khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới. Dự kiến ước thực hiện vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 sẽ đạt khoảng 18 – 19 tỷ USD; Vốn đăng ký năm 2019 dự báo đạt khoảng 30 - 35 tỷ USD tương đương mức thu hút của năm 2018. Dự kiến năm 2019 sẽ cần thực hiện cổ phần hoá hơn 100 doanh nghiệp, thoái vốn tại 193 doanh nghiệp. Mục tiêu đến hết năm 2020, cả nước chỉ còn hơn 200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, công ích, truyền tải điện...
T. H