Diễn đàn giao thương Việt Nam - Slovenia

Thứ năm, 26/09/2024 - 14:56

Ngày 26/9 tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Bộ Kinh tế, Du lịch và Thể thao Slovenia (Cơ quan Phát triển Kinh doanh Slovenia) tổ chức Diễn đàn giao thương Việt Nam - Slovenia do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì.

Thông qua Diễn đàn này, các doanh nghiệp Việt Nam và Slovenia có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Diễn đàn giao thương Việt Nam - Slovenia- Ảnh 1.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, năm 2024 là năm đặc biệt, kỷ niệm 30 năm thiết quan hệ ngoại giao hai nước. Và sự kiện ngày hôm nay được đánh giá là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới dấu mốc lịch sử đặc biệt này.

Năm 2024 là năm đặc biệt, kỷ niệm 30 năm thiết quan hệ ngoại giao hai nước, ghi nhận nhưng bước phát triên tốt đẹp, tạo đà cho hợp tác kinh tế, thương mại phát triển. Kể từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Slovenia tăng hơn 12 lần, từ 46,1 triệu USD (năm 2012) lên trên 516 triệu USD (năm 2023). Về đầu tư, tính đến hết tháng 8 năm 2024, Slovenia đứng thứ 92 trong tổng số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 3 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 2,3 triệu USD.

Với sự thúc đẩy mạnh mẽ giữa hai quốc gia trong thời gian qua, cùng tầm nhìn, kế hoạch hợp tác đã đề ra trong thời gian tới, giá trị xuất nhập khẩu và đầu tư song phương sẽ tăng trưởng gấp nhiều lần trong 10 năm tới, đưa Việt Nam và Slovenia trở thành đối tác hàng đầu của nhau trong khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục XTTM Việt Nam và Cơ quan phát triển kinh doanh Slovenia (SPIRIT Slovenía). Biên bản ghi nhớ này sẽ giúp hai bên tạo cơ chế hợp tác một cách ổn định, bề vững và bài bản; thiết lập kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Cục XTTM và SPIRIT Slovenia nói riêng và tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Slovenia nói chung.

Diễn đàn giao thương Việt Nam - Slovenia- Ảnh 2.

Điểm nhấn của Diễn đàn là Chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Slovenia với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, logistics,.... Thông qua Chương trình giao thương, các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp về các vấn đề mình quan tâm, nhu cầu xuất - nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Slovenia.

Diễn đàn giao thương Việt Nam - Slovenia là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Slovenia tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam, Slovenia ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.

Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ giúp các doanh nghiệp Slovenia tiếp cận thị trường ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương - là các thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA; và ngược lại, Slovenia sẽ là cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU, đặc biệt do Slovenia có thế mạnh về cảng biển và logistics để có thể trở thành cầu nối gần hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU, đặc biệt là các nước Đông Âu và Đông Nam Âu.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, song kim ngạch trao đồi thương mại giữa Việt Nam - Slovenia vẫn còn ở mức khiêm tốn. Tiềm năng để mở rộng giao thương, hợp tác giữa 2 bên còn rất nhiều, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Slovenia không những không cạnh tranh mà còn có tính bổ sung cho nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với những ngành hàng mỗi bên có thế mạnh như: nông thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, gia dụng... của Việt Nam hay logistic, hóa chất, dược phẩm, các sản phẩm điện tử, máy móc của Slovenia.

Hải Hà