Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, cấp thiết, nhất là trong tình hình hiện nay. Bởi cùng với những mặt tích cực, tiến bộ của quá trình mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế, thì mặt trái của nền kinh tế thị trường, của đồng tiền, danh vị và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang tạo ra những hệ lụy, làm băng hoại và suy thoái đạo đức con người ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đáng nói nhất là lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, xây dựng, kinh doanh,…đã gây nhức nhối dư luận, gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tha hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức; đặt ra nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử, về mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng…
Ở nước ta, vấn đề đạo đức và đạo đức nghề nghiệp cũng được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, nhất là vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải làm sao cho tất cả cán bộ, công chức từ Chính phủ đến làng xã đều là công bộc của nhân dân, đều phải tận tụy phục vụ nhân dân. Người luôn nhấn mạnh và khẳng định, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của cán bộ, công chức; và đòi hỏi mỗi người, nhất là người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, hồng và chuyên, đức và tài, trong đó đức là gốc.
Về thực trạng đạo đức nghề nghiệp ở nước ta hiện nay, tại Diễn đàn, TSKH. Nghiêm Vũ Khải và Ths. Lê Thanh Tùng chia sẻ: Nhìn chung, trong tất cả các ngành nghề, đa phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, lối sống và phong cách tốt đẹp, nói lên truyền thống của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam: Cần cù, chịu khó, nhân ái, khoan dung. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt thuận lợi, tích cực thì vấn đề đạo đức con người cũng có những biểu hiện cần phải lên án, bài trừ để làm trong sạch môi trường văn hóa.
Để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, nhằm tạo ra môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh trong tham luận tại Diễn đàn hai ông cũng đưa ra một số giải pháp như: Nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người lao động; Hoàn thiện và kiện toàn hệ thống pháp luật của từng ngành nghề, tạo cơ sở hành lang pháp lý trong việc khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người lao động cũng như cán bộ lãnh đạo quản lý; Các cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, người lao động phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng ý thức, tinh thần đạo đức nghề nghiệp cho người lao động…
TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: Đạo đức hành nghề là những quy tắc đạo đức đặc trưng áp dụng trong một nghề nhằm tạo ra cơ sở của kỷ cương, kỷ luật nghề nghiệp. Đạo đức hành nghề còn được hiểu là đạo đức nghề nghiệp, theo TS. Nguyễn Thanh Thập: “là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hoá. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người cũng như giá trị động lực của lao động. Do vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi chủ thể; hướng con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp”.
Ông cũng nhấn mạnh thêm: Cái gốc rễ của đạo đức hành nghề được “gói gọn” trong hai từ lớn là Lương tâm và Trách nhiệm.
Cũng tại Diễn đàn, Ths. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đã có một vài chia sẻ để góp phần nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay. Ông nhận định: Trong xã hội Việt Nam những năm gần đây, cùng với cơ chế thị trường, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, thì đạo đức xã hội nói chung (ở cả trong gia đình, nhà trường và xã hội) - đạo đức hành nghề nói riêng cũng đã và đang có nhiều biểu hiện xuống cấp, đáng báo động. Khá nhiều cán bộ - công chức - viên chức và hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội/tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã không còn giữ được phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không đảm bảo đúng các quy tắc, nội quy trong giao tiếp, ứng xử và trong hành nghề; làm mất uy tín và danh dự, phẩm giá của người cán bộ/công chức/ viên chức/hội viên trong các tổ chức Hội.
Từ thực trạng này, ông đã đưa ra những giải pháp: Nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp cho CBCCVC và hội viên, để họ hiểu sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của ngành nghề, từ đó bồi đắp tình yêu, tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Tham mưu hoàn thiện và kiện toàn hệ thống pháp luật của từng ngành, nghề, tạo cơ sở hành lang pháp lý trong việc khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người lao động, cũng như cán bộ lãnh đạo quản lý. Các cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng ý thức, tinh thần đạo đức nghề nghiệp cho CBCCVC và hội viên…
Vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đạo đức hành nghề và nhân cách con người thời nào cũng luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Những biến động của đời sống xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên, công chức viên chức trong những năm qua đang đặt ra nhiều vấn đề về cách thức quản lý, tổ chức xã hội; về sự thích ứng linh hoạt của con người trước những biến đổi của cuộc sống xung quanh. Chính vì vậy vấn đề đạo đức nghề nghiệp là vấn đề có tầm quan trọng rất lớn dẫn đến sự thành bại của nền hành chính cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
B.H