TNV - Sáng 26/12 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt và Văn phòng Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.
Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền thông, phổ biến rộng rãi các giải pháp kiểm soát giống cây trồng để pháp phát triển bền vững ngành trồng trọt Việt Nam. Đơn vị phối hợp tổ chức là: Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm và doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu, chọn tạo và kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp trong cả nước.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu dự trực tiếp và khoảng gần 200 đại biểu dự trực tuyến đến từ các đơn vị: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Đại diện Sở NN-PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã… và đại diện của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương…
Giống có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng. Có được nguồn giống tốt thì cây trồng có được khởi đầu tốt. Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng tới hệ thống giống ở nước ta. Với mong muốn giải quyết những vấn đề này, Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền thông, phổ biến rộng rãi các giải pháp kiểm soát giống cây trồng để phát triển bền vững ngành trồng trọt Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội TM Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Giống, một yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng của chuỗi sản xuất nông sản nói chung trên toàn thế gới. Ở Việt Nam, tổng kết kinh nghiệm từ xa xưa đã chỉ ra: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” và hiện nay trật tự này đã thay đổi khi mà hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn thiện, nhiều loại phân bón từ vô cơ, hữu cơ, vi sinh, sinh học ra đời hoàn toàn đáp ứng khả năng thâm canh cây trồng, và cơ giới hóa với các loại máy móc từ gieo hạt đến chăm sóc, phun thuốc và thu hoạch…do vậy vị trí của “Giống” là số một, giống là tiền đề.
Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị Định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Như vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới.
Tuy nhiên, các hướng dẫn khảo nghiệm VCU và DUS hiện thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh... Dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt (đặc tính kháng) giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường. Bên cạnh đó, không thể đăng ký đồng thời giống nền và giống biến đổi gen với tính trạng cải tiến.
Ngoài ra, chưa phù hợp với Luật Trồng trọt và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thực tiễn. Việc khảo nghiệm, công nhận lưu hành các giống ngô mang tính trạng chống chịu như chịu hạn, kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV… là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thiết thực trong phát triển và đăng ký giống mới, giúp tăng năng suất và tăng thu nhập của người nông dân. Thực tế các giống chuyển gen vẫn đang lưu hành và canh tác trên thị trường song song với giống nền không biến đổi gen từ năm 2015.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ, Luật Trồng trọt ra đời đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định mới trong quá trình công nhận giống cây trồng. Luật đã điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian và và chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Các quy định tại Luật đã từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số hoạt động. Ngoài ra, công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm cũng đã được quy định xã hội hoá, giảm áp lực cho cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục công nhận cây trồng.
Tại Diễn đàn, bà Hiên cũng đề xuất 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính.