VOMF 2023 quy tụ đông đảo cộng đồng kinh doanh dịch vụ tiếp thị trực tuyến, các tổ chức - doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ. Tham gia diễn đàn có sự xuất hiện của những thương hiệu hàng đầu trên toàn cầu cũng như các thương hiệu lớn trong nước: Tiktok, Nielsen, Shopee, Sapo, Haravan, Vinalink, Accesstrade, DigiPencil, Droppii, VNNIC, MB Bank, Do Venture, LadiPage, Vebid, Netco, Vietguys, EMS...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM cho biết, VOBF 2023 nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu được tiếp cận các xu hướng kinh doanh trực tuyến nói chung và lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến. Doanh nghiệp được tham gia tương tác kết nối với những doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp kinh doanh online, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến.
Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, VECOM ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD" - ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.
Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử bền vững cần chú trọng đến nguồn nhân lực cho thương mại điện tử. Trong nhiều năm qua, có khoảng 70% quy mô thương mại điện tử bán lẻ vẫn tập trung ở hai đầu tàu trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, có 61 tỉnh thành còn lại là nơi tập trung nhiều dân số, cơ hội giao thương lớn và đặc biệt là có nguồn cung ứng hàng hóa đa dạng, chất lượng nhưng chưa được thúc đẩy phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có.
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận về “Tổng quan thị trường tiêu dùng số”; cùng trao đổi hành trình khách hàng, xu hướng hành vi người tiêu dùng; tiếp thị số bền vững bằng ươm trồng thương hiệu cũng như những xu hướng marketing nổi bật trong năm 2023... giúp doanh nghiệp thấu hiểu tường tận về phương hướng tiếp thị hiệu quả thông qua mạng xã hội trong thời gian tới và nhanh chóng chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà bán lẻ có chung nhận định: Khi giá cả không còn là yếu tố quyết định để người tiêu dùng mua hàng online thì cần tìm cách giữ chân khách hàng bằng việc kể chuyện thông qua hình ảnh, video và biến khách hàng trở thành đối tác kinh doanh cho chính mình.
Một số gian hàng trưng bày các giải pháp công nghệ để triển triển khai TMĐT
Bà Lê Dung – Giám đốc tăng trưởng Sapo chia sẻ, từ tháng 12 tới tháng 3/2024, các doanh nghiệp có vô vàn cơ hội để nắm bắt và gia tăng doanh thu. Các doanh nghiệp nên tận dụng đòn bẩy livestream nhằm bứt tốc doanh thu cuối năm vì hiện nay livestream nhanh chóng trở thành một kênh bán hàng hữu hiệu. Bên cạnh đó cần khai thác tối đa tiềm năng và tăng tỷ lệ chuyển đổi từ Facebook Messenger. Ngoài ra cần duy trì tương tác và gia tăng lợi nhuận từ tệp khách hàng hiện hữu.
Tại VOMF 2023, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cũng đánh giá, hoạt động bán lẻ đang đối mặt với nhiều thách thức không chỉ đến từ sức mua mà còn vấn đề mặt bằng, tài chính. Ngược lại, hoạt động kinh doanh online đang được nhắc đến như một điểm sáng, mũi nhọn giúp phục hồi kinh tế. Dẫu vậy, để kinh doanh online hiệu quả cần bài bản, có sự chuyển đổi theo xu hướng thị trường, biến khách hàng thành đối tác kinh doanh cho chính mình.
Bùi Hạnh