Tham dự Diễn đàn có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các vụ, cục thuộc NHNN; lãnh đạo một số ngân hàng thương mại; đại diện các tổ chức tài chính quốc tế và Việt Nam; các chuyên gia tài chính, ngân hàng; đại biểu Quốc hội; một số doanh nghiệp lớn…
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành Ngân hàng, với các thành tựu được Đảng, Nhà nước, các thành phần trong nền kinh tế, cũng như các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế ghi nhận. NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%. Mặt bằng lãi suất ổn định, thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong môi trường ổn định, chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng hiệu quả, vốn ngân hàng tập trung cho sản xuất kinh doanh. NHNN liên tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn tín dụng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực. Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu có những chuyến biến tích cực...
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Những thành công trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng đã góp phần quan trọng nâng hạng tín nhiệm quốc gia qua đánh giá của các tổ chức quốc tế. Mới đây, ngày 05/4/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors (S&P) đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Đây là lần đầu tiên sau 09 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
Các diễn giả tham gia Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 08/11/2018 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT- NHNN ngày 08/01/2019. “Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế”.
Đề cập đến vấn đề nợ xấu, bên lề Diễn đàn, ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhấn mạnh: “Nợ xấu đôi khi xuất phát từ nền kinh tế và chính sách vậy các chính sách mà Chính phủ cũng như các ngành kinh tế, các bộ, ngành đưa ra nếu như phù hợp có thể sẽ tạo động lực phát triển nhưng nếu không phù hợp nó có thể dẫn đến nợ xấu mà nợ xấu do chính sách thì việc xử lý vô cùng khó khăn đối với ngân hàng…mặt khác sự ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu cũng tạo ra tác động với nền kinh tế cũng như ngân hàng do vậy rất cần Chính phủ cũng như Ngân hàng nhà nước và các đơn vị liên quan cũng tham gia vào giải quyết cùng ngân hàng chứ từng ngân hàng thì không thể giải quyết triệt để được”.
Đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông minh vào hoạt động tài chính ngân hàng, ông Trần Thái Bình – Phó Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chia sẻ: “Cùng với sự biến động của thị trường, thay đổi của công nghệ dẫn đến hàng vi của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều, Sacombank cũng có chiến lược để nâng cao được trải nghiệm của khách hàng thông qua các sản phẩm dịch vụ của mình như ứng dụng Sacombank Pay.. Đồng thời làm sao nâng cao hiệu quả trong hoạt động ngân hàng, giảm chi phí vận hàng thì thông qua lộ trình chuyển đổi số và thực hiện từng bước dự án đầu tư về công nghệ, thay đổi cả quy trình và cả mô hình kinh doanh để phục vụ tốt khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình”.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn
Với nội dung bao quát về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa” gồm có 3 phiên, trong mỗi phiên sẽ có phần thảo luận, trao đổi dưới dạng hỏi – đáp, với sự tham gia của các diễn giả là đại diện NHNN, các chuyên gia kinh tế, các NHTM, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đại biểu Quốc hội…
Phiên 1: Bức tranh tổng quan về điều hành CSTT, những đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 2018, định hướng những tháng cuối năm 2019. Những tác động chiến tranh thương mại đến thị trường tiền tệ các nước và Việt Nam.
Phiên thảo luận 2 xoay quanh nội dung câu hỏi “Hệ thống ngân hàng cần làm gì để củng cố về tài chính, con người, chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai?” . Còn Phiên 3 với chủ đề “Hướng tới tương lai” đã thảo luận về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng 5 năm tới. Những thách thức, cơ hội để các ngân hàng Việt Nam vươn cao hơn trong khu vực châu Á; các ý kiến luận bàn về đầu tư cho công nghệ ngân hàng trong CMCN 4.0, về đẩy mạnh tín dụng xanh...
Diễn đàn đã nhìn lại những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng thời gian qua, trong đó có những điểm sáng trong điều hành lãi suất, tỷ giá, hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, đồng thời phân tích cơ hội, thách thức hiện tại và tương lai, từ đó hoạch định các chiến lược, chương trình hành động trong năm 2019 và những năm sau để ngân hàng Việt có thể xứng tầm cùng các ngân hàng trong khu vực.
Quang Văn – Thục Anh