Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) là sự kiện thường niên quy tụ đông đảo cộng đồng thương mại điện tử. Sau 8 năm tổ chức, diễn đàn đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, trở thành một điểm đến giá trị và nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và cập nhật thông tin, đưa ra bức tranh tổng quan về ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ: Đây là sự kiện thường niên và là tâm điểm chú ý của cộng đồng thương mại điện tử hàng năm. Năm nay, diễn đàn mang chủ đề "Chiến thắng trong kỷ nguyên AI", một chủ đề mang tính thời sự. Nó phản ánh đúng giai đoạn chuyển đổi, chứng kiến sự phát triển bứt phá trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống, điện toán đám mây và các công nghệ nền tảng khác sẽ làm thay đổi căn bản mọi mô hình tổ chức hoạt động xã hội và cụ thể hơn là các mô hình, phương thức kinh doanh.
VOBF 2025 tổ chức dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - Bộ Công Thương. Đồng thời, Chương trình nhận được sự đồng hành thực hiện từ 4 đơn vị: Vinalink, IMGroup, DTM và Accesstrade. Diễn đàn năm nay có sự phối hợp của hơn 30 doanh nghiệp/ nhà tài trợ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Năm 2025, với chủ đề "Chiến thắng trong kỷ nguyên AI" là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cùng trao đổi về tiềm năng thị trường, các xu hướng công nghệ và giải pháp nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay.
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025 (VOBF 2025) với chủ đề "Chiến thắng trong kỷ nguyên AI" sẽ là nơi kết nối các bên trong hệ sinh thái thương mại điện tử – từ đại diện cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu, nền tảng công nghệ, doanh nghiệp lớn đến startup đổi mới sáng tạo – cùng thảo luận về những xu hướng công nghệ chủ đạo, cập nhật chính sách liên quan, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tìm kiếm lời giải cho các bài toán trong ứng dụng AI một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử phát biểu tại Diễn đàn
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử nhận định, AI hiện nay đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại điện tử. Việc tổ chức Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2025 là cơ hội để tập hợp những ý kiến, góp ý, chia sẻ, đề xuất, giải pháp để việc ứng dụng AI vào thương mại điện tử đạt kết quả cao hơn.
Bên cạnh đó, một số chủ đề nóng và đang nhận được nhiều sự quan tâm cũng sẽ được các diễn giả và chuyên gia trao đổi, phân tích tại diễn đàn, như: Hành vi người tiêu dùng trên môi trường số; AI trong quản trị, vận hành doanh nghiệp và triển khai tiếp thị trực tuyến; Tiềm năng thị trường xuất khẩu trực tuyến trên toàn cầu…
VOBF 2025 được tổ chức với quy mô mở rộng và nội dung chuyên sâu, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực thương mại điện tử. Góp phần quan trọng vào thành công của diễn đàn năm nay là sự đồng hành của hơn 30 doanh nghiệp, tổ chức trong vai trò nhà tài trợ và đối tác chuyên môn. Các đơn vị đồng hành không chỉ mang đến nguồn lực tổ chức mà còn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp công nghệ và góc nhìn đa chiều về chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nổi bật trong số đó là SAPO, NielsenIQ, và VNNIC – những tổ chức hoạt động tích cực trong các lĩnh vực nền tảng bán hàng, phân tích dữ liệu thị trường và hạ tầng Internet. Sự hiện diện và đóng góp của các đơn vị đồng hành tiếp tục khẳng định vai trò kết nối của VOBF trong hệ sinh thái thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị tài trợ tiêu biểu như: Haravan, Byte Media, NetcoPost, VietGuys, MiniAI, SEONGON, Metric và Luật sư 11. Sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nền tảng số, tiếp thị, logistics, dữ liệu, công nghệ AI và pháp lý không chỉ giúp hoàn thiện công tác tổ chức, mà còn đóng góp vào chiều sâu nội dung và chất lượng thảo luận tại các phiên chuyên đề.
PV