TNV - Ngày 17/12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ” theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics có cái nhìn tổng quan và cập nhật về ngành dịch vụ logistics trong bối cảnh Covid-19 trên toàn cầu, nhu cầu và xu hướng hoạt động logistics trong thời gian tới tại khu vực Âu – Mỹ, cũng như các thách thức và cơ hội đối với ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới.
: Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Diễn đàn
Những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ. Chỉ số hoạt động logistics gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là kết quả cao nhất mà Việt Nam từng đạt được.
Tới tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao của các nước khu vực Âu- Mỹ, đại diện thương mại của Việt Nam tại khu vực Âu – Mỹ, Sở Công Thương của 30 tỉnh, thành phố, các chuyên gia ngành logistics của Việt Nam và nước ngoài cùng đại diện các Tập đoàn logistics lớn trong nước và nước ngoài như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Ratraco, Viettel Post, Tập đoàn Amazon Global Selling Việt Nam, Eurocham, Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA), Công ty Phát triển kinh doanh Cảng Long Beach (California), Công ty CP Bee Logisticscùng đại diện của các và doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội VASEP và hàng trăm các doanh nghiệp xuất khẩu khác có quan tâm.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có những nhận định về sự phát triển của ngành logisitics của Việt Nam trong thời gian qua. Ông cho biết,logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%. Đến nay, cả nước đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho triển vọng phát triển của ngành logistics của Việt Nam.
Năm 2021, dù phải chịu tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Âu- châu Mỹ 10 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 18,8%, đạt gần 170 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác khu vực Âu - Mỹ đạt 131 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Phiên tọa đàm các Diễn giả đã có những chia sẻ sâu sắc về những cơ hội và thách thức của ngành logistics Việt Nam. Các chuyên gia đều nhận địnhnhững khó khăn mà ngành Logistics đã và đang phải đối mặt trong thời gian qua dưới tác động của đại dịch Covid-19 như vấn đề chi phí dịch vụ, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, kho bãi, thiết bị...cho đến những tác động của dịch bệnh Covid-19 lên dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu, gây ra sự ùn tắc trên các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu – châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Âu- Mỹ.
Tại diễn đàn, đại diện các cảng biển, các hãng tàu, các công ty dịch vụ logistics tại Hoa Kỳ, châu Âu cùng như Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) đã trao đổi tình hình thực về những vấn đề logistics tại địa bàn.
Đại diện của Hiệp hội VASEP, Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký, đã chia sẻ về những lo lắng về chi phí, giá cược vận tải logistics gia tăng khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng “cơ hội vàng” trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, thời điểmmà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu – Mỹ.
Về phương hướng giải pháp cho tình trạng nêu trên, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, trong đó nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức, trong đó cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy nội địa.
Ngoài ra, một trong những chủ đề được quan tâm là việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngànhlogistics, đã được trao đổi thẳng thắn tại Diễn đàn. Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia diễn đàn đã trao đổi kinh nghiệm thực tế và đề ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển 4.0 trong logistics và đặc biệt là logistics phục vụ thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Với nhận định, TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, các diễn giả đã tập trung phân tích hiện trạng và đưa ra các khuyến nghị phát triển hệ thống e-logistics để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Làm thế nào để các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics nước nhà có thể vượt qua những khó khăn, tận dụng được tối đa các cơ hội mà khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ mang lại là một câu hỏi không dễ giải đáp.
Vì vậy, vì vậy thông qua Diễn đàn này với mục tiêu để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics có cái nhìn tổng quan và cập nhật về: Ngành dịch vụ logistics trong bối cảnh mới; Nhu cầu và xu hướng hoạt động logistics trong thời gian tới tại khu vực châu Âu, châu Mỹ,. Qua đó hiểu rõ hơn về các cơ hội và thách thức đối với ngành logistics trong bối cảnh hiện nay, và quan trọng hơn cả, là cùng với các chuyên gia tìm ra giải pháp giúp các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics nắm bắt được cơ hội và xu hướng trong thời gian tới, xây dựng chiến lược thích ứng hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.
Hoàng Hà