Sắp bước sang tháng thứ 6, cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một cuộc xung đột kéo dài và gây ra nhiều tổn thất.
Sau khi rút khỏi Kiev, quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật và tập trung vào chiến trường Donbass ở phía Đông Ukraine. Nga sử dụng pháo binh tấn công vào các vị trí phòng thủ của Ukraine ở Donetsk - một chiến lược từng mang lại thành công cho Moscow ở Lugansk. Trong khi đó, Ukraine tăng cường kháng cự và đang chuẩn bị một chiến dịch phản công lớn ở Kherson, buộc Nga phải tái phân bổ lực lượng tới phía Nam nhằm bảo vệ các thành quả ở đây.
Dieu gi khien nga va ukraine chua san sang dam phan de ket thuc giao tranh hinh anh 1
Ukraine khai hỏa pháo phòng không ZU-23-2 gần khu vực Kharkiv ngày 10/8/2022. Ảnh: Reuters
Những diễn biến này không giống như thực tế lịch sử gần đây. Trong 200 năm qua, các cuộc chiến tranh trung bình chỉ kéo dài hơn 3 tháng. Vì thế, không mấy bất ngờ khi đã có những lời kêu gọi Nga và Ukraine nên bắt đầu đàm phán.
Một số quan điểm từng cho rằng Nga và Ukraine sẵn sàng chấp nhận ý tưởng này do những tổn thất nặng nề trên chiến trường và gánh nặng tài chính của cuộc chiến buộc hai bên phải suy nghĩ lại. Nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.
Một số quan điểm ủng hộ sự dàn xếp chính trị cho rằng nếu tiếp tục chiến tranh, Ukraine sẽ chỉ chứng kiến số người chết gia tăng, mất thêm lãnh thổ và suy giảm vị thế đàm phán. Một số ý kiến khác thì nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo ở Ukraine sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn nếu chiến tranh kéo dài. Còn với Nga, tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây sẽ ngày càng lớn và cục diện cuộc chiến có thể đảo chiều theo hướng bất lợi cho Moscow.
Lý do Nga và Ukraine chưa sẵn sàng đàm phán
Dù vậy, có một số lý do cho thấy tại sao các bên tham chiến chưa sẵn sàng ký kết thỏa thuận hòa bình.
Đầu tiên, bản đồ chiến trường cho thấy Nga đã kiểm soát được nhiều lãnh thổ của Ukraine bao gồm: toàn bộ tỉnh Lugansk, một nửa tỉnh Donetsk, hành lang trên đất liền tới Crimea dọc Biển Azov, một phần tỉnh Zaporozhizhia và một phần bờ biển Biển Đen của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir tuyên bố, Nga thậm chí chưa bắt đầu cuộc chiến và tự tin "chiến dịch quân sự đặc biệt" của nước này sẽ thành công.
Tổng thống Putin cũng cho rằng sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine cuối cùng sẽ suy yếu khi tác động kinh tế ngược từ cuộc chiến ngày càng lớn. Trên thực tế điều này đã đúng. Châu Âu đang chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao và giá năng lượng tăng vọt trong khi việc Nga giảm nguồn cung khí tự nhiên buộc Đức - đầu tàu kinh tế châu Âu, phải thực hiện những biện pháp chưa từng có để đảm bảo khí đốt sẽ không cạn kiệt vào mùa đông. Tất nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây có lẽ cũng gây tổn thất cho nền kinh tế Nga nhưng Tổng thống Putin dường như tự tin rằng Nga sẽ kiên cường hơn châu Âu.
Ngoài ra, trong khi Nga tự tin nước này có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine thì sự dàn xếp ngoại giao khả năng cao sẽ không xảy ra.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có những lý do riêng để không tìm kiếm một thỏa thuận.
Bất chấp những bước lùi quân sự ở Donbass, ông Zelensky tin rằng thời gian đang đứng về phía Ukraine. Theo ông, Nga đã chịu tổn thất lớn về trang thiết bị và lực lượng chỉ trong một vài tháng qua. Ngoài ra, Ukraine đang nhận được những vũ khí tiên tiến từ phương Tây, đáng chú ý nhất là hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất, loại vũ khí được cho là đã tấn công vào hàng chục kho đạn dược, trung tâm chỉ huy và các cơ sở hậu cần của Nga. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy sự ủng hộ quân sự của Mỹ cho Ukraine, hiện ở mức 9 tỷ USD, sẽ dừng lại.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine đang ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo. Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm 45% và theo chính ước tính của Kiev, nước này cần tới 750 tỷ USD chi phí tái thiết - lớn gấp 3 lần toàn bộ GDP của Ukraine vào năm ngoái. 12 triệu người Ukraine hiện đã trở thành người tị nạn hoặc phải rời bỏ nhà cửa, với 2/3 trong số đó là trẻ em.
Dường như chính phủ Ukraine không đối mặt với sức ép của công chúng trong việc tiến hành một thỏa thuận với Nga. Thậm chí nếu ông Zelensky có xu hướng nhượng bộ để chấm dứt tổn thất, ông có thể đối mặt với phản ứng dữ dội.
Giữa bối cảnh đó, tỷ lệ tăng trưởng đang chậm dần ở Mỹ và châu Âu. Các nhà kinh tế học thậm chí đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái. Lạm phát tại Mỹ ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua và tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, nó đã ở mức cao nhất từ trước đến nay, bất chấp thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian để nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng biển của Ukraine.
Nguy cơ chiến tranh lan rộng
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít rủi ro quân sự. Sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine đã bị Nga coi là đồng tham chiến. Mỹ và châu Âu can dự ngày càng sâu vào cuộc xung đột này, nguy cơ chiến tranh lan sang một nước NATO càng lớn và rủi ro leo thang thành chiến tranh hạt nhân - viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ gia tăng.
Phó Chánh văn phòng điện Kremlin Sergey Kirienko gần đây nhận định, các nước phương Tây trên thực tế đang chiến tranh với Nga.
"Chúng tôi hiểu rõ chúng tôi không chiến đấu với Ukraine trên lãnh thổ Ukraine và chắc chắn không chống lại người dân Ukraine. Toàn bộ NATO đang chiến tranh với Nga ở Ukraine bằng người dân Ukraine", ông Kirienko cho hay.
Thật không may là Nga và Ukraine vẫn chưa có ý định tham gia vào một tiến trình ngoại giao nghiêm túc.
Trong chiến tranh, lập trường quan trọng nhất là lập trường của những bên tham chiến và hiện vẫn còn cơ hội cho ngoại giao. Nga và Ukraine - hoặc ít nhất một trong 2 bên cần đi đến quan điểm rằng đàm phán là lựa chọn tốt hơn chiến tranh.
Dù vậy, dường như hiện nay cả hai nước đều chưa tiến gần đến điểm này./.
Kiều Anh/VOV.VN