Trong một buổi phát biểu, nhà văn Laura Vanderkam đã chia sẻ về một chủ đề thú vị: Những người thành công hàng đầu thường làm gì trước bữa sáng?
Cô chia sẻ rằng, buổi sáng của những người thành công thường bận rộn hơn chúng ta tưởng tượng. Họ sẽ chơi thể thao, đọc sách, nấu ăn cho gia đình, gửi email công việc, tham gia cuộc gọi hội nghị... Và để hoàn thành được những việc này, họ phải thức dậy trước 7 giờ sáng.
Chẳng hạn, Warren Buffett bắt đầu đọc sách lúc 6:45 sáng; Haruki Murakami đã bắt đầu viết vào lúc 4 giờ sáng; Bill Gates đã chạy bộ từ 3 giờ sáng. Còn James Hittlin, CEO của một công ty tuyển dụng cùng các đồng nghiệp của ông, sẽ bị báo thức đánh thức vào lúc 5:57 sáng.
Laura cho biết, trong hơn 200 người ưu tú mà cô đã phỏng vấn, 99% trong số họ đều có thói quen dậy sớm.
01.
Một tác giả từng chia sẻ về hành trình của mình trong cuốn sách của ông. Khi còn trẻ, ông đã có thu nhập triệu USD mỗi năm và sau đó trở thành một ông trùm đầu tư. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, cuộc khủng hoảng tài chính bất ngờ ập đến. Chỉ sau một đêm, tài sản của ông giảm mạnh. Nhưng sau 5 năm, ông đã lại một lần nữa có một khối tài sản lớn.
Sự “quay trở lại” ngoạn mục này, theo cách nói của tác giả, là nhờ ông đã thay đổi một thói quen trong cuộc sống.
Trước đây, ông có cuộc sống về đêm rất phong phú, không phải là đi ăn uống với khách hàng thì cũng là tiệc tùng. Sau đó, ông trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi và ngủ đến chiều hôm sau.
Thời gian cứ thế trôi qua như bị “đánh cắp” đi, lịch trình của ông cũng thường xuyên bị gián đoạn bởi những sự kiện bất ngờ.
Các cuộc gặp với khách hàng bị hoãn, kế hoạch hợp tác không thể hoàn thành đúng thời hạn, cơ hội đầu tư hết lần này đến lần khác bị bỏ lỡ.
Với lịch trình lộn xộn, ông cảm thấy mỗi ngày đều rất căng thẳng. Sau đó, một người tiền bối khuyên ông thử điều chỉnh lại đồng hồ sinh học, có thể sẽ giúp ông cải thiện tình hình hiện tại. Với tâm lý thử một lần, ông bắt đầu đi ngủ sớm và dậy sớm.
Mới đầu, ông thức dậy lúc 7 giờ sáng và thấy rằng trước khi đi làm vào lúc 9 giờ sáng, ông có thể chạy bộ 30 phút, đọc sách 30 phút và ăn sáng một cách bình tĩnh.
Vài tuần sau, ông đặt đồng hồ báo thức lúc 6 giờ sáng và lên kế hoạch chi tiết.
6:00-7:00: 20 phút chạy bộ, 20 phút đọc sách, 20 phút lập kế hoạch;
7:00-8:00: Bắt đầu viết và ghi lại suy nghĩ của bản thân;
8:00: Trước khi đi làm, sắp xếp danh sách khách hàng và lên ý tưởng công việc.
Kiên trì nửa năm, điều bất ngờ đã xảy ra. Ông không chỉ cảm thấy khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng hơn mà còn có bước đột phá lớn trong sự nghiệp và thành lập công ty đầu tư của riêng mình.
Có người từng nói: “Hiện tại của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta sử dụng thời gian trong quá khứ và chúng ta sẽ như thế nào trong tương lai không xa, phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng thời gian hiện tại”.
Thời gian là 24 giờ một ngày cho tất cả mọi người, nhưng những người dậy sớm có thể tận dụng được nhiều nguồn lực hơn.
Các nhà tâm lý học của châu Âu đã phát hiện ra: "Trong tiềm thức của những người dậy sớm, thời gian cả ngày sẽ dài hơn. Trong tiềm thức của người dậy muộn, thời gian mỗi ngày lại ngắn đi nhiều."
Dậy sớm là một loại kỷ luật tự giác và khả năng kiểm soát cuộc sống của một người.
Những người kiên trì dậy sớm thường là bậc thầy về “quản lý thời gian”.
02.
Người dẫn chương trình talk show Oprah nổi tiếng là người tư duy rất nhạy bén. Cô rất giỏi ứng biến, có thể xử lý những câu hỏi hóc búa một cách dễ dàng. Nhiều người nói rằng đây chính là tài năng vốn có của cô.
Tuy nhiên, Oprah chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng, khả năng này là kết quả của quá trình rèn luyện.
Khi còn đi học đại học, cô đã có thói quen dậy sớm và dành thời gian để thiền vào lúc yên tĩnh. Sau đó, cô sẽ chạy bộ trên máy chạy bộ và tập thể dục để tái tạo năng lượng cho cơ thể. Ngay khi bước ra khỏi nhà, cô cảm thấy tràn đầy năng lượng.
Một buổi sáng hiệu quả sẽ mở ra một ngày làm việc hiệu quả.
Tác giả Liang Shuang cũng đồng tình với quan điểm này.
Khi còn đi học, cô nhận thấy việc dậy sớm rất hiệu quả trong việc học. Cô có thể ghi nhớ từ mới, trả lời câu hỏi và ôn tập bài tập đạt hiệu quả gấp đôi so với các thời điểm khác trong ngày. Khi đi làm, cô dậy sớm để đọc sách và học các kỹ năng.
Sau khi trở thành nhà văn tự do, cô càng thích việc dậy sớm hơn, bởi viết lách vào buổi sáng sẽ mang lại cho cô rất nhiều cảm hứng trong suốt cả ngày.
Những người càng tài giỏi, càng có năng lực, càng hiểu rõ ý nghĩa của việc dậy sớm.
Dậy sớm không phải chỉ vì có thêm một giờ, mà là để đón nhận một ngày mới với trạng thái tốt nhất.
03.
Trên MXH, một nhà thiết kế đã khởi xướng hoạt động dậy sớm. 3 năm trước, cô đột nhiên bị công ty cho nghỉ việc, sau đó cô liên tục gặp trở ngại trong việc tìm việc làm.
Trong giai đoạn khó khăn này, cô rất áp lực, thậm chí chỉ một điều nhỏ nhặt cũng có thể khiến cô mệt mỏi.
Một ngày nọ, cô quyết định ra ngoài đi dạo vào buổi sáng. Mới 6 giờ sáng, cô thấy trong khu phố đã có rất nhiều người tập thể dục buổi sáng. Trong tiết trời đầu xuân, đi bộ khoảng 20 phút, cô cảm giác sự mệt mỏi đã biến mất.
Từ ngày hôm đó, cô bắt đầu tập thể dục buổi sáng. Dần dần, cô lấy lại được động lực và sự tự tin đã mất từ lâu. Cô quay lại với công việc, nộp hồ sơ, tham gia phỏng vấn.
Cô không còn sợ bị từ chối, cô trở nên mạnh mẽ hơn, cũng không còn cảm thấy trống rỗng, mỗi ngày đều tràn đầy năng lượng.
Dù gặp phải những vị khách hàng khó tính, cô vẫn kiên nhẫn xử lý, dù công việc có phức tạp đến đâu, cô vẫn kiên trì giải quyết.
Một năm sau, cô gia nhập thành công vào một công ty lớn và được tuyển vào vị trí quản lý.
Trong khi nhiều người vẫn đang “ngủ nướng”, những "người dậy sớm" đã bắt đầu một ngày mới đầy trật tự.
Trong khi người khác còn đang tìm lý do để ngủ nướng, những người dậy sớm đã bắt đầu cuộc hành trình chinh phục thử thách.
Đừng xem nhẹ việc dậy sớm, đối với nhiều người, đó là một thử thách, nhưng với những người mạnh mẽ, đó là một nguồn động lực.
04.
"Hôm nay tôi dậy sớm lúc lúc 05:52, 844 ngày dậy sớm liên tiếp”. Mở nền tảng xã hội của của một blogger nổi tiếng về việc dậy sớm, bạn có thể thấy câu này. Khoảng 3 năm trước, cô đã đưa ra thử thách cho bản thân - dậy sớm mỗi ngày.
Khi còn đang học đại học, cô cảm thấy mình quá thiếu kỷ luật. Lúc chưa bắt đầu dậy sớm, vào những ngày không có giờ học, cô ngủ đến trưa và bắt đầu ngày mới vào buổi chiều. Đến buổi tối, cô ngồi chơi điện thoại, chơi game, xem các video đến khuya, thậm chí, có khi cô còn xem đến sáng. Từ đó, cô rơi vào vòng quanh đi ngủ muộn và dậy muộn.
Cô rất ghét bản thân mình như vậy, nhưng sự cám dỗ của thức khuya quá lớn, cô đã quyết tâm bao nhiêu lần mà vẫn không thể kiềm chế được bản thân.
Sau đó, những lần thi lại và cảnh báo bị đuổi học từ trường đã hoàn toàn khiến cô “thức tỉnh”.
Cô quyết tâm sẽ bỏ điện thoại trước 10 giờ tối và phải dậy lúc 7 giờ sáng hôm sau. Lúc đầu, cô cảm thấy rất khó khăn với việc này. Nhưng sau khi kiên trì nửa tháng, cô cảm thấy những game mình thường thức khuya chơi không có gì hấp dẫn.
Thay vì đam mê những trò giải trí cấp thấp, cô lại mong dậy sớm để ngắm bình minh vào ngày hôm sau và đi ra ngoài cảm nhận bầu không khí nhộn nhịp ở những quầy ăn sáng.
Hiện tại, cô đã hoàn toàn từ bỏ thức khuya và thường xuyên chia sẻ trên mạng: "Dậy sớm và đi ngủ sớm không chỉ khiến cuộc sống trở nên có quy củ, quan trọng nhất là giúp tôi thoát khỏi sự kiểm soát của điện thoại và MXH”.
Dậy sớm không chỉ là giành lại thời gian, mà còn là giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của chúng ta.
Những người có thể đi ngủ sớm và dậy sớm, là những người có khả năng vượt qua cám dỗ và quản lý ham muốn của bản thân.
Benjamin Franklin từng nói: “Tôi chưa bao giờ thấy một người dậy sớm, chăm chỉ, thận trọng, trung thực mà lại than phiền về số mệnh mình không tốt”
Những điều kỳ diệu của cuộc sống xảy ra trước 8 giờ sáng.
Những người xuất sắc, luôn là những người chứng kiến vẻ đẹp rực rỡ của bình minh.
Theo Toutiao
Minh Nguyệt