Đây là những ý kiến phân tích của GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trong trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ về bài viết của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, ông Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện một cách khái quát và rất sâu sắc những định hướng lớn trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII. Điểm nổi bật trong bài viết này là việc xác định mục tiêu phát triển đất nước.
Hoàn thiện thêm một bước tư duy lý luận của Đảng
Theo GS.TS. Phùng Hữu Phú, Đại hội XIII của Đảng sắp tới không chỉ vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm sắp tới mà là sự khởi đầu cho một quá trình chuẩn bị hai sự kiện rất trọng đại: 100 năm thành lập Đảng (1930-2030) – Việt Nam trở thành nước cơ bản có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và 100 năm thành lập nước (1945-2045) – trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Đây là định hướng rất quan trọng, vừa thể hiện sự phân tích, dự báo những điều kiện và khả năng của đất nước, đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển chung của thế giới.
Mục tiêu, định hướng này cần được quán triệt, thiết kế phù hợp với từng địa phương, từng ngành, từng giai đoạn, từng năm để đạt được hiệu quả cao nhất.
GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương
Ông Phùng Hữu Phú phân tích, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu trong quá trình thực hiện mục tiêu, phải nhận thức đúng và giải quyết có hiệu quả 10 mối quan hệ lớn. Bởi trong thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, bao giờ cũng xuất hiện khách quan các mối quan hệ lớn giữa nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Những mối quan hệ này chi phối toàn bộ quá trình đổi mới, phát triển đất nước.
Đó là những mối quan hệ lớn phản ánh tính quy luật của đổi mới, phát triển. Phát triển nhanh hay chậm, có bền vững hay không, tùy thuộc rất lớn vào việc nhận thức có đúng không, giải quyết có hiệu quả hay không các mối quan hệ lớn này.
GS. TS. Phùng Hữu Phú khẳng định 10 quan hệ này là sự sáng tạo, độc đáo trong tư duy lý luận của Đảng ta mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là một trong những người đã phát hiện, đề xuất.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khái quát 8 mối quan hệ lớn; đến Đại hội XII trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng hoàn thiện và bổ sung thêm thành 9 mối quan hệ lớn. Lần này trên cơ sở tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh, nhất là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 và tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 2011-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục phát triển, hoàn thiện thêm một bước.
Trước đây, chúng ta nhấn mạnh mối quan hệ giữa “tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”, lần này bổ sung một thành tố thứ tư là “bảo vệ môi trường”, quan hệ “nhà nước-thị trường” được bổ sung thành quan hệ “nhà nước-thị trường-xã hội”. Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề xuất quan hệ mới thứ 10: “Giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Dân chủ là một xu thế của thời đại và là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia. Càng đi vào xã hội hiện đại thì càng phải yêu cầu mở rộng hơn, thực hành tốt hơn dân chủ. Dân chủ bao giờ cũng phải đi liền với kỷ cương phép nước; dân chủ được thực hành trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phải đảm bảo kỷ cương trên cơ sở thực hành dân chủ, trên cơ sở tăng cường pháp chế, ông Phùng Hữu Phú phân tích.
Vấn đề “then chốt” của “then chốt”
Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức Đảng đặc biệt chú trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được tiến hành toàn diện, đồng bộ, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm đã được triển khai thực hiện từ những năm trước, nhưng kết quả hạn chế thì nhiệm kỳ này đạt nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, có tính đột phá.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm đã được Đảng ta tổng kết, trong đó bài học kinh nghiệm thứ nhất là “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt lên hàng đầu bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng lâu nay Đảng ta luôn xác định là "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín… Đây là điểm “then chốt” nhất trong công tác xây dựng Đảng.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên đầu tiên là bắt nguồn từ nguyên lý cơ bản này. Trong thời gian qua, nhiều cán bộ của chúng ta hư hỏng vì ta lựa chọn chưa đúng và phần nào cho thấy vẫn còn hiện tượng chạy chức, chạy quyền, mua quan bán chức. Do đó, khâu then chốt nhất là lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo thật sự có tâm, có tầm, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo, không thoái hóa, biến chất, hết lòng phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
GS. TS. Phùng Hữu Phú cho rằng, đặc biệt trong nhiệm kỳ này, thực tiễn giúp chúng ta thấm thía hơn việc chú trọng bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là bài học về công tác cán bộ. Những bài học kinh nghiệm nêu trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là sự đúc kết rất sâu sắc, không phải chỉ từ 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà là sự đúc kết cả một quá trình 35 năm đổi mới đất nước.
Những bài học đó là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng trong thời gian tới, đưa đất nước vững vàng, tự tin vượt qua mọi thử thách, khó khăn để phát triển lên tầm cao mới.
Phương Liên/Chinhphu