Điều trị nghiện bằng thuốc cho người tiêm chích ma túy

Thứ tư, 08/11/2017 - 15:29

TNV - Sáng 8/11, Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV (Đại học Y Hà Nội) đã diễn ra buổi giảng của Diễn giả GS.TS Carl Latkin – Phó chủ nhiệm bộ môn sức khỏe, Hành vi và Xã hội thuộc trường Đại học John Hopkins Bloomberg, Mỹ. Giáo sư đã chia sẻ về những vấn đề điều trị nghiện bằng thuốc cho người tiêm chích ma túy.

GS.TS Carl Latkin – Phó chủ nhiệm bộ môn sức khỏe, Hành vi và Xã hội thuộc trường Đại học Y tế công cộng Bloomberg, Đại học John Hopkins Mỹ kiêm giám đốc Trung tâm dự phòng và nghiên cứu về HIV/AIDS của đại họcJohn Hopkins. Ông có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS và chắm sóc người kém may mắn. Đặc biệt ông được biết đến qua những nghiên cứu sử dụng khung lý thuyết mạng lưới xã hội và kỹ thuật phân tích ảnh hưởng của mạng lưới xã hội tới nguy cơ nhiễm HIV ở nhóm người tiêm chích ma túy. Ông là nghiên cứu viên chính tại tổ chức Lighhouse, một trung tâm nghiên cứu dựa vào cộng đồng ở trung tâm của Baltimore tập trung phát hiện và hỗ trợ người dân đô thị kém may mắn.

Tiến sĩ Latkin đã triển khai các nghiên cứu hành vi tại Đông Nam châu Á, bao gồm các nghiên cứu về duy trì điều trị methadone trên người bệnh tại Việt Nam. Ông cũng đã công bố hơn 400 bài báo khao học với các chủ đề rất đa dạng như phòng ngừa HIV, dùng chung bơm kim tiêm, mạng lưới xã hội, môi trường xã hội, nguy cơ quan hệ tình dục trong nhóm đối tượng đích, và những can thiệp cho nhóm người tiêm chích ma túy. Các nghiên cứu này được hỗ trợ bởi Viện Sức khỏe Hoa Kỳ, Viện nghiên cứu về lạm dụng nghiện chất  và Viện Sức khỏe tâm thần Hoa kỳ. Giáo sư cũng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Oregon, Mỹ.

20171108_101136 GS.TS Carl Latkin – Phó chủ nhiệm bộ môn sức khỏe, Hành vi và Xã hội thuộc trường Đại học Y tế công cộng Bloomberg giảng bài tại Trường Đại học Y Hà Nội

Tại buổi giảng GS.TS.Latkin đã có những chia sẻ về việc điều trị nghiện bằng thuốc cho người tiêm chích ma túy: Một số kết quả quan trọng và bài học kinh nghiệm cho quá trình mở rộng chương trình.

Theo ông, sử dụng chất dạng thuốc phiện là tình trạng mạn tính tương tự như bệnh nhân tiểu đường.Hầu hết, người sử dụng chất gây nghiện sẽ tái nghiện một vài lần trước khi dừng sử dụng hẳn.Vì vậy, người nghiện càng tham gia điều trị thường xuyên bao nhiêu, ngay cả sau khi đã tái nghiện, thì khả năng họ thành công càng cao bấy nhiêu.

Tính hiệu quả của điều trị methadone giao động ở mức từ 20 đến 70%, hiệu quả điều trị có liên quan tới liều điều trị, liều hiệu của của mỗi cá nhân cũng không giống nhau. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất khi sử dụng methadone là giúp người nghiện cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như giảm khả năng lây nhiễm bệnh như HIV, viêm gan C… Một số yếu tố về xã hội như tỉ lệ tội phạm giảm, có việc làm tăng lên, quan hệ gia đình, xã hội của người nghiện được cải thiện.

Ông cho biết“Tại Trung Quốc, họ triển khai điều trị methadone từ 2004, khảo sát một số lượng lớn bệnh nhân xem hiệu quả điều trị không chỉ với các nhân bệnh nhân mà với cả xã hội và gia đình. Những người sử dụng chất gây nghiện vẫn có thể giúp đỡ gia đình họ và cũng có thể đóng góp cho cộng đồng”.

Theo ông Lê Minh Giang, Điều phối viên chính, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Điều trị Nghiện chất và HIV, Trường Đại học Y Hà Nội, trong thời gian qua có những thông tin cho rằng, điều trị methadone không còn hiệu quả nữa gây ảnh hưởng tới thành quả của việc dùng methadone với người nghiện ma túy. Nhưng những bằng chứng khoa học đưa ra lại không phải như vậy.

Thời gian gần đây, người nghiện ma túy có thể điều trị bằng burprenorphine với hiệu quả cao hơn, đặc biệt với người nghiện đang dùng ARV điều trị HIV.Tuy nhiên, chi phí cho loại thuốc này rất cao, khiến bệnh nhân phải chịu một gánh nặng kinh tế lớn. Do vậy, methadone vẫn là loại thuốc phổ thông trong điều trị. GS.TS Carl cho hay, trong tình huống bệnh nhân vừa điều trị HIV, vừa cai nghiện thì nên để cho bệnh nhân dùng ARV trước, sau đó hãy sử dụng methadone.

Cũng theo GS.TS Latkin, dùng methadone tỉ lệ tử vọng của người nghiện thấp hơn rất nhiều so với các loại thuốc khác, bệnh nhân cũng sống lâu hơn so với người sử dụng thuốc điều trị nghiện khác.Ngoài ra, “người nghiện có nhu cầu lớn về tiền để mua thuốc, vì thế mà họ bán dâm hoặc bán ma túy để kiếm tiền. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ tội phạm và bán dâm khi tham gia điều trị bằng methadone thì giảm đáng kể, tỷ lệ có công ăn việc làm của người sử dụng methadone tăng lên rất nhiều, quan hệ gia đình và xã hội được cải thiện. Do họ không phải trải qua hội chứng cai nghiện, họ vẫn làm việc bình thường”.

Về hướng điều trị, theo vị giáo sư, sự hỗ trợ của gia đình là rất quan trọng, cần tuyên truyền cho gia đình của bệnh nhân trong việc hỗ trợ cùng họ cai nghiện. Ngoài ra còn có những yếu tố vô cùng quan trọng nữa là: Cần nâng cao năng lực cho các bác sĩ điều trị; Thái độ của các nhân viên y tế với bệnh nhân và đặc biệt là thái độ kỳ thị của cộng đồng xã hội cũng là rào cản rất lớn đối với việc điều trị cho những người nghiện chất. Vai trò của gia đình cũng là yếu tố quyết định lớn tới việc điều trị nhưng hiện nay yếu tố này chưa được phát huy nhiều. Bệnh nhân có thể hỗ trợ lại cho gia đình khi điều trị methadone ổn định, họ có thể tìm kiếm công việc, thêm thu nhập để hỗ trợ cho gia đình.

“Đặc biệt, khi điều trị cho người nghiện ma túy, chúng ta cần chú ý điều trị chứng trầm cảm, tâm thần với người nghiện.Họ thường bị kỳ thị, ngại tới các buổi chia sẻ đông người. Vì vậy, chúng ta nên tổ chức những buổi riêng cho họ để có những thông tin cụ thể với từng đối tượng, truyền tải suy nghĩ tích cực cho các bệnh nhân, làm thế nào để họ duy trì sự bình tĩnh, lạc quan yêu đời”- GS.TS. Carl nói.

“Nếu vẫn còn có tình trạng kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, gia đình… thì sẽ vẫn còn tình trạng trầm cảm và tâm thần đối với bệnh nhân”.Giáo sư nhấn mạnh thêm.

BH