CNHS. Phan Thị Mai – HS trưởng khoa Cấp cứu đã có bài giảng chi tiết về dinh dưỡng trong thai kỳ, hướng dẫn các món ăn tốt cho sức khỏe mẹ bầu, cách kiểm tra cân nặng, cách theo dõi chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu trong suốt quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi hay do mẹ bầu và ông bố đặt ra cho CNHS. Phan Thị Mai cũng đã được giải đáp và tư vấn tận tình.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong suốt 9 tháng mang thai là hết sức quan trọng để con yêu phát triển toàn diện ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Trong mỗi thai kỳ, bà bầu cần một chế độ bổ sung dinh dưỡng khác nhau với những dưỡng chất then chốt.
Vậy, bà bầu có thể làm gì để bổ sung dinh dưỡng tốt nhất khi mang thai, tất cả được CNHS. Phan Thị Mai – HS trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện phụ sản MêKông tư vấn:
Dinh dưỡng 3 tháng đầu: đây là giai đoạn thai nhi định hình và hình thành các cơ quan chủ yếu. Vì thế, thai phụ không cần quá chú trong việc tăng cường bổ sung dinh dưỡng, tăng calo trong bữa ăn, chỉ cần ăn uống đầy đủ chất, chia nhỏ bữa ăn, tránh một số thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị hay cay nồng. Một số thai phụ phải trải qua giai đoạn nghén, có thể bổ sung thêm gừng, quế, húng quế, chanh, mật ong, bạc hà vào các loai thực phẩm như trà, nước, ăn các loại thực phẩm khô dễ tiêu như bánh mì ngọt, bánh qui.
Dinh dưỡng 3 tháng giữa và cuối: đây là giai đoạn thai nhi hoàn thiện các cơ quan và tăng trọng. Trên thực tế, lượng Calo bổ sung tăng cường hàng ngày sẽ phụ thuộc chủ yếu vào BMI, tốc độ tăng cân và mức độ hoạt động thể chất của thai phụ. Do vậy, bạn hãy lắng nghe nhu cầu của chính cơ thể mình để bổ sung phù hợp nhất.
Tuỳ theo từng giai đoạn thai kì, nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau. Theo khuyến cáo của Vietnam RDA 2016, khi mang thai 3 tháng giữa nhu cầu dinh dưỡng cần khoảng 250kcal/ngày và tăng lên 450kcal/ngày trong 3 tháng cuối .
Theo khuyến cáo của ADA về kiểm soát cân nặng trong thai kỳ, tăng cân phù hợp khi mang thai dựa trên BMI trước khi có thai :
- BMI < 18,5: tăng từ 12 – 18 kg
- BMI = 18,5 – 22,9: nên tăng thêm khoảng 11 – 15 kg
- BMI = 23 – 29,9: tăng từ 7 – 11 kg
- BMI ≥ 30: nên tăng từ 5 – 9 kg
Phân bổ năng lượng trong ngày cho mỗi bữa ăn theo khuyến cáo của ACOG 2013, Group Health 2011 là 10% dành cho bữa sáng, 60% chia đều cho bữa trưa và bữa tối, 30% do các bữa ăn nhẹ cung cấp.
Trong đó carbohydrate chiếm khoảng 33–40%, protein khoảng 20% và chất béo 40%. Ngoài 3 thành phần chính trên, thai phụ cũng cần bổ sung thêm một số vi chất quan trọng như: Sắt và canxi Đây là 2 dưỡng chất cực quan trọng đóng vai trò chủ đạo trong suốt quá trình mang thai, nhất là 3 tháng giữa. Bổ sung đầy đủ sắt và canxi giúp thai nhi phát triển hệ xương, răng, mặt, chân tay, xây dựng được một nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này.
Ngoài ra, sắt còn giúp thai phụ tăng cường sức khỏe, phòng tránh bị thiếu máu cho mẹ và thai nhi. Để tránh tác dụng phụ của viên sắt nên uống sau bữa ăn 1-2h và giúp sắt hấp thu được tốt nên tăng sử dụng những thực phẩm chứa nhiều Vitamin C. Không uống sắt cùng với trà, cà phê vì chất tanin trong trà, cà phê sẽ giảm hấp thu sắt.
Canxi có nhiều trong thực phẩm: hàu, cá mòi, tôm đồng, cải xoăn, bông cải xanh, các loại đậu, cải bó xôi, khoai lang, cam , sữa......
Kẽm Đối với thai nhi kẽm có tác dụng duy trì tổng hợp protein cho cơ thể, giúp phân chia, sinh trưởng và tái sinh tế bào một cách bình thường, giúp thai nhi tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Việc thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn cả thai nhi. Thai nhi không đủ kẽm dẫn đến xương kém phát triển, nhẹ cân, chiều cao thấp, thai dễ bị dị dạng. Vậy nên, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa cần cần bổ sung 20 mg kẽm/ ngày. Hàu, tôm cua, thịt bò, gà, heo, các loại đậu, sữa chua, pho mai được xem là thực phẩm chứa nhiều kẽm.
Vitamin D được xem như là một dẫn chất quan trọng, nó giúp cơ thể hấp thụ canxi, phốt pho một cách dễ dàng hơn, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ dị dạng xương ở thai nhi và tiền sản giật ở mẹ.
Magne cũng cần thiết giúp giảm co cơ, chuột rút ở bà mẹ và giúp củng cố xương thai nhi. Magne có nhiều trong sôcla đen, bơ, đậu hũ, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám.
Ngoài ra cung cần bổ sung thêm Omega-3 (DHA và EPA) cho sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh, thị giác, miễn dịch. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, DHA còn có tác dụng giúp kích thích cơ thể mẹ sản xuất nhiều hồng huyết cầu đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và oxy cho thai nhi. Nguồn thực phẩm giàu Omega-3: cá và các loài có vỏ nhưng ít bị nhiễm độc thủy ngân (tôm, cá hồi, cá ngừ, cá mồi…), trứng giàu Omega-3.
Tấn Tài