TNV - Thanh niên Quân đội là lực lượng nòng cốt, có vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đây là lực lượng quan trọng và là nhân tố quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ IX (2017-2022), góp phần thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất và góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong thời kỳ mới.
Trong thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thế hệ thanh niên Quân đội toàn diện cả về phẩm chất và năng lực theo hình mẫu “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn” (*). Trong đó xác định lối sống là nền tảng văn hóa để thanh niên Quân đội có thể phát huy được vai trò chủ thể tích cực của mình. Vì vậy, lực lượng này đã có sự phát triển toàn diện cả về chất và lượng, có lý tưởng cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và Quân đội trên hết. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, thực tế lối sống của một bộ phận thanh niên trong Quân đội hiện nay vẫn còn tồn tại biểu hiện của sự lệch chuẩn về tư tưởng, đạo đức và nhận thức, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ, lối sống chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, trung bình chủ nghĩa, thiếu kỹ năng ứng xử giao tiếp có văn hóa, chưa coi trọng đúng mực việc tu dưỡng, rèn luyện lối sống văn hóa…
Đại tướng Ngô Xuân Lịch tặng thanh niên Quân đội bức trướng với nội dung “Trung thành,
dũng cảm; tâm trong, trí sáng; chủ động, sáng tạo; đoàn kết, kỷ luật; xung kích, quyết thắng”
Ảnh Minh Châu.
Những hạn chế về lối sống của thanh niên Quân đội thời gian qua xuất phát từ việc hoạt động xây dựng lối sống văn hóa trong thanh niên chưa thật sự được coi trọng và có sự quan tâm đầu tư cần thiết; một số nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng lối sống văn hóa còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu xác lập và phát triển lối sống văn hóa cho thanh niên; đời sống vật chất tinh thần, môi trường điều kiện đảm bảo và mặt bằng nhận thức của thanh niên trong Quân đội không đồng đều; đồng thời lối sống văn hóa củamột bộ phận thanh niên chưa được hình thành một cách rõ nét, dễ bị lợi dụng, kích động, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, những biểu hiện tiêu cực, hành vi sai trái ảnh hưởng tới phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó các thế lực thù địch đang hàng ngày, hàng giờ sử dụng con bài tư tưởng, văn hóa làm đòn tấn công phủ đầu, dọn đường thực hiện các thủ đoạn khác để chống phá cách mạng nước ta và chúng luôn coi thanh niên là đối tượng đặc biệt để lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hội chợ thanh niên gây quỹ từ thiện.
Trong thời gian tới, để xây dựng lối sống văn hóa trong thanh niên trong Quân đội cần thực hiện tốt những định hướng như sau:
Một là, phải gắn với chuẩn mực xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung và người quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Đây là định hướng cơ bản, chỉ đạo việc xây dựng lối sống văn hóa không chệch hướng so với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lối sống văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa và chiến lược xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới.
Trao thưởng đội đạt giải nhất Hội thi cán bộ chi đoàn giỏi năm 2019.
Hai là, phải gắn với với các hoạt động đa dạng, phong phú nhằm xây dựng và phát triển toàn diện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đây là định hướng đồng thời là mục tiêu “kép” trong xây dựng lối sống văn hóa trong thanh niên Quân đội thời kỳ mới. Thực chất của định hướng là, thông qua các phong trào hành động cách mạng trong thực hiện các nhiệm vụ của thanh niên Quân đội - đó chính là các hoạt động chính trị - xã hội thực tiễn - nhằm giáo dục, rèn luyện để phát triển và hoàn thiện nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” của thanh niên trong thời kỳ mới - đó là nhân cách của người “quân nhân hoàn toàn” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi quân nhân học báo năm 1949: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn”.
Ba là, phải bám sát đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội thời kỳ mới. Đây là một nội dung quan trọng bảo đảm tính định hướng chính trị góp phần hoàn thiện nhân cách người thanh niên trong Quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức và lối sống với các giá trị chân – thiện – mỹ. Chỉ có thể nắm bắt tốt đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị mới có thể làm cơ sở thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp, cách thức nhằm nâng cao hiệu quả mọi hoạt động của thanh niên, đặc biệt là xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên.
Tập huấn phương pháp làm việc nhóm cho cán bộ đoàn.
Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” và tiến hành thường xuyên, liên tục, huy động được đông đảo các tổ chức, lực lượng tham gia. Quá trình xây dựng lối sống mới luôn gắn liền và phụ thuộc vào hiệu quả của cuộc đấu tranh chống lại lối sống tư sản, tiểu tư sản và các tàn dư của lối sống cũ, cùng với những hiện tượng trái với các chuẩn mực, nguyên tắc của lối sống văn hóa. Đó là quá trình phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính đối với quá trình xây dựng lối sống văn hóa trong thanh niên Quân đội.
Sự hình thành lối sống văn hóa trong thanh niên Quân đội là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Quân đội. Bên cạnh việc thực hiện tốt các định hướng đã xác định, hoạt động này đòi hỏi một sự tác động đồng bộ, thống nhất của các chủ thể trong quá trình xây dựng. Đồng thời phải được tiến hành một cách chủ động, thường xuyên, liên tục với những nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục luôn được đổi mới và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cả trong và ngoài đơn vị./.
Trần Ngọc Minh – Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng