TNV - Ngày 11/11 tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú cho biết: Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng quy mô dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hạn chế sinh hơn 20 triệu người trong hơn 25 năm qua. Nước ta đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006, trước 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì đến nay, cái thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ đó nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em liên quan đến thai sản. Những thành công của công tác dân số đã tạo nên thời kỳ dân số vàng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam qua hơn 20 năm đổi mới.
Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại Hội thảo.
Tuy nhiên, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Mức sinh giữa các vùng miền còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng trưởng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp hơn so với nhiều nước...
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở một số đồng bào dân tộc ít người. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.
Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ; tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số tại các cấp cơ sở còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu…
Toàn cảnh Hội thảo
Để giải quyết toàn diện các vấn đề phát sinh trong công tác dân số trong thời kỳ mới, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong Hội nghị lần thứ 6 đã đề ra nghị quyết về công tác Dân số trong thời kỳ mới với mục tiêu chung: Giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Để đưa Nghị quyết XXI vào thực tiễn, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết 137, chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết XXI, trong đó chính phủ đã giao cho 12 Bộ, Ban, ngành xây dựng 42 chương trình, luật, đề án chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết XXI về dân số trong thời kỳ mới.
Tại Hội thảo, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cung cấp các thông tin liên quan đến định hướng về điều chỉnh mức sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thời gian tới; định hướng trong lĩnh vực cơ cấu, chất lượng dân số.
Để khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề ra các mục tiêu: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, khắc phục chênh lệch mức sinh giữa các địa phương; xây dựng hệ thống thông điệp truyền thông, nội dung tuyên truyền vận động riêng cho từng vùng mức sinh khác nhau thay cho một nội dung tuyên truyền chung cho cả nước; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phù hợp với từng vùng mức sinh. NQ 21-NQ/TƯ, Nghị quyết 137/NQ-CP và Quyết định 588/QĐ-Ttg yêu cầu phải thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế và khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.
Hoàng Hà