Doanh nghiệp bất động sản tăng tốc hay siết phanh trong năm nay?

Thứ bảy, 19/04/2025 - 10:59

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, không ít ông lớn trong ngành lựa chọn chiến lược thận trọng hơn, tập trung tái cấu trúc sản phẩm, tối ưu dòng tiền.

Lạc quan trong năm 2025

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đề xuất 2 phương án doanh thu để xin ý kiến cổ đông tại đại hội sắp tới. Theo đó, phương án 1 đặt mục tiêu doanh thu thuần 13.411 tỷ đồng và lỗ sau thuế 12 tỷ đồng, trong khi phương án 2 thận trọng hơn với doanh thu 10.453 tỷ đồng và lỗ 688 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản tăng tốc hay siết phanh trong năm nay?- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đưa ra chiến lược kinh doanh thận trọng hơn trong năm 2025. Ảnh: Như Huyền

Trong báo cáo thường niên, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland cho biết, sau hơn hai năm quyết liệt tái cấu trúc, Novaland đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Năm 2025 sẽ là năm bản lề, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Novaland với chiến lược vận hành tinh gọn, tập trung và hiệu quả cao nhất.

Theo ông Dương Văn Bắc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, những mục tiêu trọng yếu trong hai năm tiếp theo của Tập đoàn gồm bàn giao hơn 22.000 sản phẩm cho khách hàng, thu hơn 100.000 tỷ đồng từ hàng đã bán, triển khai bán mới hơn 240.000 tỷ đồng, hoàn thành tất cả các nghĩa vụ với khách hàng, trái chủ và đối tác.

Nhà phát triển bất động sản từng lớn thứ hai Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành tái cấu trúc vào cuối năm 2026 để trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển vào năm 2027.

Cũng trong năm nay, Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 20% so với thực hiện năm 2024. Trong báo cáo thường niên, Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, bước sang năm 2025, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường bất động sản, dự báo sẽ ghi nhận nhiều triển vọng sáng, thúc đẩy tăng trưởng, dù vẫn phải đối mặt với không ít thách thức và biến động.

Năm nay Vinhomes sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự án hiện hữu và mở rộng các dự án chiến lược, tập trung phát triển các khu đô thị kiểu mẫu tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Long An,…, đồng thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển điểm đến cho khu vực.

Trong khi đó, Văn Phú - Invest đưa ra mục tiêu tổng doanh thu năm 2025 đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 29,1% so với mức thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 350 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2024.

Trong báo cáo thường niên, doanh nghiệp này cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô quỹ đất tại địa bàn chiến lược, trong đó tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án trọng tâm tại nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng....

Vừa ghi nhận lợi nhuận kỷ lục hơn 400 tỷ đồng trong năm 2024, năm nay, Becamex TDC đặt mục tiêu doanh thu hơn 3.139 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 46% còn 226 tỷ đồng, do dự báo chi phí sẽ tăng cao.

Ưu tiên dự án sẵn pháp lý

Bước sang năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam đang dần tìm lại nhịp tăng trưởng sau giai đoạn trầm lắng kéo dài. Nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước như tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy đầu tư công và đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên ở phía các doanh nghiệp, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết có nhiều chủ đầu tư đang gom một lượng lớn booking từ khách hàng nhưng họ vẫn chưa dám mở bán. Doanh nghiệp vẫn tin là thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng họ cũng đang thận trọng.

“Các chủ đầu tư đang quan sát và cân nhắc rất kỹ. Họ vẫn băn khoăn chưa đưa ra giá bán chính thức như thế nào cho phù hợp”, ông Kiệt nói và cho biết thêm quan sát trên thị trường có thể thấy tốc độ tăng giá trên thị trường đã chậm lại so với các thời điểm trước.

Doanh nghiệp bất động sản tăng tốc hay siết phanh trong năm nay?- Ảnh 2.

Khách hàng đang tìm hiểu thông tin tại một dự án bất động sản ở khu Nam TP.HCM. Ảnh: Như Huyền

Đồng quan điểm, bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM cho rằng có thể thấy sự thận trọng của các chủ đầu tư qua số lượng căn hộ mở bán trên thị trường.

Theo bà Hương, TP.HCM là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, kéo theo nhu cầu nhà ở luôn ở mức rất cao. Theo ước tính, để đáp ứng cơ bản nhu cầu này, thị trường cần được bổ sung khoảng 50.000 đến 60.000 căn hộ mới mỗi năm. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn cung căn hộ tại TP.HCM trong những năm qua luôn ở mức rất thấp, chỉ dao động dưới 10.000 căn mỗi năm, thậm chí có thời điểm chỉ đạt khoảng 3.000 đến 5.000 căn trong những năm thị trường gặp nhiều khó khăn...

Một tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi ba bộ luật quan trọng lớn liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua và có hiệu lực vào năm 2024. Đây được xem là bước đi mang tính đột phá, tạo nền tảng pháp lý bền vững cho thị trường.

“Dù vậy, các bộ luật mới chỉ vừa có hiệu lực chưa đầy một năm, trong kế hoạch phát triển của nhiều doanh nghiệp chủ yếu vẫn đang ưu tiên vào các quỹ đất, dự án đã có sẵn pháp lý hơn là các dự án đang nằm trong dạng tiềm năng để tránh những rủi ro nhiều dự án đã vướng phải trong thời gian qua”, bà Hương nói và dự báo có thể vào năm 2026-2027, nguồn cung trên thị trường sẽ cải thiện.

Thanh Thịnh