Ảnh minh hoạ
Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định hiện hành của pháp luật về nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội đang gặp rất nhiều vướng mắc và không hiệu quả khi triển khai trên thực tế.
Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025) đã khắc phục bất cập trên theo hướng thay đổi phương thức tạo quỹ đất nhà ở xã hội, theo đó trao quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương chủ động bố trí, bảo đảm linh hoạt, phù hợp đặc điểm dân cư, mức độ phát triển, khả năng bố trí quỹ đất của từng địa phương,
Cụ thể, khoản 1 Điều 83 Luật Nhà ở 2023 quy định: UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, bao gồm: quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại…
Luật cũng quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong việc xây dựng nhà ở xã hội: hoặc dành một phần diện tích đất ở trong dự án hoặc bố trí quỹ đất ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.
Dự thảo đã hướng dẫn việc dành diện tích đất nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc bố trí tại vị trí khác ngoài phạm vi dự án hoặc đóng tiền tương đương tại Mục 1 Chương III.
Tuy nhiên, liên quan đến đất để xây nhà ở xã hội, theo Dự thảo, những dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 5ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc lớn hơn 10ha tại các đô thị loại II hoặc loại III sẽ phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Dẫn phản ánh của doanh nghiệp, VCCI cho biết, đây là tỷ lệ khá lớn và đề nghị cân nhắc giảm tỷ lệ này xuống còn 5-10%.
Ngoài ra, theo VCCI, việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (Điều 18 Dự thảo) cũng có vấn đề.
Cụ thể, theo phản ánh, chủ đầu tư không thể tạo lập diện tích đất ở tương đương với quỹ đất 20% phải dành của dự án nhà ở thương mại đang xét trên cùng đô thị (cấp quận) nơi có dự án, nên quy định này rất khó khả thi.
Các doanh nghiệp đề nghị, nếu cho phép thực hiện hoán đổi quỹ đất nhà ở xã hội thì cần cho phép chủ đầu tư bố trí trên quỹ đất khác (không phải là đất ở); nếu khu đất đã có dự án đầu tư (ví dụ có dự án sản xuất kinh doanh) thì cho phép điều chỉnh dự án để xây dựng nhà ở xã hội, nếu chưa có dự án thì UBND cấp tỉnh… chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Liên quan đến quy định việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (Điều 18 Dự thảo), các doanh nghiệp đề nghị không quy định việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà quy định theo hướng nếu dự án nhà ở thương mại không phù hợp dành quỹ đất nhà ở xã hội (do dự án định hướng là dự án có tính thương mại cao, sử dụng quỹ đất có giá trị lớn, UBND tỉnh đã bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại vị trí khác…) thì không ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư phải đóng tiền thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Thay vào đó chủ đầu tư nộp đủ 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật đất đai, UBND tỉnh tự cân đối, điều tiết ngân sách để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Khiêm Phạm