Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, những con số tích cực trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp năm 2024.
Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng nông, lâm, thủy ản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; rau quả 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; cà phê 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; gạo 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; và hạt tiêu thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng 43,5%.
Ngoài ra, phân bón cũng đang là mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD trong khi nhiều năm về trước chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong năm 2024 đang có sự dịch chuyển giữa các quốc gia (Trung Quốc - Hoa Kỳ - Asean, Trung Đông, EU). Xuất khẩu vào các thị trường trong điểm như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có sự chậm lại qua các tháng. Ngoài ra, chính sách bảo hộ cũng đang ngày một tăng, phòng vệ thương mại ngày càng được quan tâm. Hoạt động sản xuất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu của các nước và hàng hóa nội địa (đặc biệt là Trung Quốc)".
Để có được kết quả đó, các doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Năm 2024, mặc dù ngành nông nghiệp trong đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trên thực tế, theo ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua các ý kiển của nhiều doanh nghiệp tại Diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bộ cũng sẽ tập trung thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian tới, mặc dù còn nhiều thách thức cả trong nước, trong khu vực và toàn cầu nhưng chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, đưa nông nghiệp làm lợi thế của quốc gia".
Diễn đàn Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 được tổ chức với mong muốn tạo ra một nơi để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu và thông qua truyền thông để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… đến các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.
PV