Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) tiền thân là Công ty Gạch Ngói Sành Sứ, được thành lập từ năm 1974. Năm 2000, Viglacera bắt đầu rót tiền vào bất động sản và gần đây trở thành lĩnh vực có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận.
Viglacera hiện đang sở hữu và vận hành 12 khu bất động sản công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.210 ha, hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 16 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, có các doanh nghiệp tên tuổi lớn trên thế giới như Samsung, Amkor, Canon, Hyosung, Anam Electronics, IRC Tire, Toyoda Gosei…
Đến năm 2025, doanh nghiệp này cho biết sẽ nâng tổng số khu công nghiệp (KCN) lên 20, tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.
Viglacera hiện đang sở hữu và vận hành 12 KCN với tổng diện tích hơn 4.210 ha
Mới đây, Viglacera đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu 2.639 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước do giảm nguồn thu từ mảng vật liệu xây dựng.
Cụ thể, tổng doanh thu nhóm vật liệu xây dựng (kính, gương, sứ, sen vòi và phụ kiện, gạch ốp lát, gạch ngói) là 1.430 tỷ đồng. Mảng bất động sản KCN tiếp tục là điểm sáng, đem về hơn 1.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, chủ yếu từ nguồn thu cho thuê đất và một phần từ dịch vụ quản lý, vận hành.
Trong kỳ, các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với quý 1/2023. Kết quả, Viglacera báo lãi sau thuế 237 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trước đó, doanh nghiệp này vừa có quý 4/2023 thua lỗ đầu tiên kể từ khi công bố thông tin.
Doanh nghiệp cho biết từ cuối năm 2023, thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng đã ghi nhận sự tắc nghẽn đầu ra và giảm sút đáng kể, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất. Biến động ngày càng tăng về giá nguyên vật liệu đầu vào đã tạo ra áp lực đáng kể lên khối kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản.
Năm 2024, Viglacera đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 13.353 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.110 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng, doanh nghiệp này đã thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Viglacera báo lãi trở lại sau quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi công bố thông tin
Tại thời điểm cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Viglacera đạt hơn 23.300 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), giảm khoảng 800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty giảm mạnh nhất với mức hơn 700 tỷ đồng, xuống còn 1.760 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của Viglacera là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với hơn 6.300 tỷ đồng. Đây là chi phí xây dựng dở dang từ các dự án như KCN Thuận Thành giai đoạn 1, KCN Yên Mỹ, KCN Phú Hà giai đoạn 1, Khu du lịch sinh thái Vân Hải, KCN Tiền Hải - Thái Bình...
Hàng tồn kho giảm nhẹ xuống mức 4.673 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thành phẩm kính, sứ, sen vòi... với 2.400 tỷ đồng. Trong khi đó, tồn kho bất động sản xây dựng dở dang là 1.659 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Viglacera ở mức 13.562 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 5.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn ghi nhận hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, phần lớn là doanh thu nhận trước của hoạt động cho thuê bất động sản ghi nhận doanh thu sau 12 tháng tới.
Năm nay, Viglacera cho biết sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản.
Đối với lĩnh vực xây dựng, sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mẫu mã mới theo hướng xanh, thân thiện môi trường như kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, Gạch bê tông khí chưng áp, đá nung kết…
Ở lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp này sẽ phát triển, mở rộng quy mô các khu công nghiệp tại các địa phương có lợi thế về đất đai, hạ tầng giao thông, nguồn điện và chính sách đầu tư. Cụ thể, chú trọng đẩy mạnh thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án KCN như Thuận Thành I, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đồng thời, sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục cho công tác thoái vốn Nhà nước tại tổng công ty theo chủ trương của Bộ Xây dựng.
Thúy Hà