TNV - Ngày 26/10, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Hội thảo Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về phát triển bền vững cũng như lợi thế bền vững đến từ sự sáng tạo. Muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. Đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc đứng thứ 55/137.
Quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, chỉ số thí nghiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc. Có được các kết quả trên là nhờ vào những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số.
Chương trình có sự tham dự của TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội internet Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số; Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp; Ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia cao cấp phụ trách đối ngoại phát triển phần mềm tại Microsoft châu Á - Thái Bình Dương; Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hitachi Consulting... cùng đại diện các doanh nghiệp, giảng viên các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội.
Chương trình được xây dựng gồm hai phần: Phần một với chủ đề cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thời đại số; Phần hai với chủ đề số hóa doanh nghiệp Việt Nam và quốc gia khởi nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương chia sẻ một số thông tin về một số chỉ tiêu phản ánh mức độ sẵn sàng về hạ tầng công nghệ số của Việt Nam. Theo đó hiện nay dân số Việt Nam có 96, 02 triệu người thuộc mức trung bình của khu vực trong đó dân số vùng thành thị là 35%. Tỷ lệ dùng 3G là 50%, 4G là 3%, Tỷ lệ dùng điện thoại thông minh là 39% và tỷ lệ băng rộng mặt đất/100 dân là 39%. Tỷ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam còn thấp. Theo UPU, chỉ số phát triển dịch vụ vận chuyển của Việt Nam chỉ khoảng 47,8%. Hạ tầng, chất lượng, thời gian vậ chuyển, thủ tục và chi phí thông qua còn hạn chế. Theo khảo sát của Cục TMĐT và KST năm 2017, 40% khách hàng mua hàng trực tuyến chưa hài lòng về vận chuyển giao hàng.
Về nguồn nhân lực bà cũng cho biết: Thị trường nặng về lao động đơn giản, 40% tay nghề thấp, 50% lao động trung bình. Theo ILO, 10 năm tới có tới 88% số việc làm có rủi ro cao và trung bình.
Cuối cùng bà cũng chia sẻ về tác động của chuyển đổi số. Thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp/tổ chức sẽ đạt được 5 lợi ích lớn: 1) Tăng tỷ suất lợi nhuận; 2) Tăng năng suất; 3) Giảm chi phí; 4) Tăng thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới; 5) Tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ cũ và tăng lòng trung thành khách hàng.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hitachi Consulting cũng chia sẻ về những thách thức trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Các thách thức lớn nhất là: Thiếu kỹ năng và nguồn nhân lực; Văn hóa bảo thủ và khép kín; Thiếu kỹ năng phân tích nâng cao để phát triển tư duy hành động và cuối cùng là Thiếu năng lực lãnh đạo trong việc điều hành chuyển đổi số. Ông cũng khẳng định: Các nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số.
Cũng tại Hội thảo lần này, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau phân tích, làm rõ nhiều nội dung đáng quan tâm như: Thực tế ứng dụng số hóa trong ngành công nghiệp Việt Nam; Quy trình chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình doanh nghiệp số; xu hướng tiếp thị số làm thay đổi mô hình kinh doanh...
T.Hiếu