Hơn 2 tháng sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế đất nước bước vào giai đoạn phục hồi và “thiết lập trạng thái bình thường mới”. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các ngành nghề đã hoạt động bình thường trở lại, tuy nhiên, những hệ quả mà đại dịch để lại cho nền kinh tế thật nặng nề. Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chật vật “mưu sinh”, khó khăn về vốn, đầu ra cho sản phẩm vẫn đè nặng lên đôi vai của nhiều doanh nghiệp.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát, đối với các doanh nghiệp lớn họ cũng đã đã giảm 50% đơn hàng. Mặc dù đến nay, tổng quan các doanh nghiệp gia công da giày vẫn có số lượng đơn hàng để cầm cự, tuy nhiên, có một thực trạng là doanh nghiệp lớn nhất đã phải cắt giảm 30% nhân công, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 70% nhân công.
Một trong những khó khăn nữa của ngành da giày là vấn đề vốn. Trước bộn bề khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mặc dù doanh nghiệp gia giày đã có các kiến nghị chính sách nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Những khó khăn về vốn, đầu ra cho sản phẩm vẫn đè nặng lên đôi vai của nhiều
doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Bà Xuân dự đoán, nếu như từ nay đến tháng 10 có thể xử lý được dịch Covid-19 thì doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự. Nhưng nếu tình hình tệ hơn, dịch bệnh kéo dài đến năm sau thì Nhà nước cần có phương án để giải quyết, đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó khi doanh nghiệp đuối và không đủ sức cầm cự.
“Nguồn nhân lực trong ngành da giày là rất lớn, trường hợp doanh nghiệp khó khăn, vấn đề giải quyết việc làm cho lượng nhân công này là rất khó. Tôi mong rằng, sẽ có một kịch bản hỗ trợ đến từ nhà nước, kịch bản về nguồn nhân lực, chiến lược định hướng nguồn nhân lực để đáp ứng giai đoạn tới, giúp ngành da giày cầm cự vượt qua đại dịch”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Cũng chật vật như ngành da giày do những tác động tiêu cực từ đại dịch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp dệt may đang trong thời điểm rất khó khăn. Trong những tháng đầu quý 1, ngành dệt may đã tăng trưởng âm hơn 2%; trong 4 tháng đầu năm thì âm khoảng 4,7%, đến 5 tháng thì âm khoảng 14,6; 6 tháng thì âm 16,67%. Mỗi tháng trôi qua, tăng trưởng của ngành lại càng âm và con số này chưa biết đến bao giờ mới dừng lại.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Công ty may Hưng Yên chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang lép vế vì cơ chế thị trường chưa hấp dẫn khi chi phí nhân công cao hơn và nhiều chi phí khác như: thuế, điện, nước, ngân hàng. Bên cạnh đó, giá tiền thuê đất năm nay được thông báo tăng 20%. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp vay 0% nhưng chưa có doanh nghiệp nào vay được vì quy định rất khó.
“Hậu Covid-19, muốn phát triển hệ thống duy trì sản xuất thì Nhà nước và tất cả ngành phải vào cuộc, giảm tất cả các chi phí thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Chúng tôi rất mong được Nhà nước và đơn vị hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp phát triển. Bản thân doanh nghiệp có thể tự cố gắng, bươn trải để giữ lao động, giữ việc làm để tồn tại và phát triển, nhưng rất cần sự hỗ trợ vào cuộc của các ngân hàng”, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội chia sẻ: “Với dịch Covid-19 trước tiên doanh nghiệp cần phải “sống” đã. Thực tế hiện nay, rất ít doanh nghiệp được hỗ trợ. Thủ tục vay và hỗ trợ tương đối khó khăn nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận”.
Ông Vân trăn trở, với doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại việc cắt giảm chi phí là rất quan trọng. Trong giai đoạn hậu Covid-19, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường, nhưng đây lại là vấn đề khó, bởi không thể biết được khi nào dịch Covid-19 mới kết thúc.
Về lâu dài, ông Nguyễn Vân cho rằng, doanh nghiệp nên coi việc xác định chuyển đổi số là vấn đề quan trọng. “Khi chúng ta theo đuổi nguồn lực, thay đổi tạo sức ép trên thị trường thì cần phải có những giải pháp cho chuyển đổi số để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”, ông Vân nhấn mạnh.
Thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp trong bối cảnh này là rất lớn. Do đó, để vượt qua đại dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp không nên “bỏ trứng vào 1 giỏ”; Cần tìm kiếm thị trường khác thay thế khi mà các ưu đãi từ các thị trường khác như CPTPP không đủ để có thể bù được nguồn nguyên liệu giá rẻ./.
Chung Thủy/VOV.