Doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm cũng như tăng cường đầu tư cho vấn đề bảo mật trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến không ít thách thức cho các doanh nghiệp, trong đó mối đe dọa lớn nhất đến từ tấn công mạng. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới như Google, Facebook... cũng đã chịu những vi phạm an ninh mạng không nhỏ trong thời gian qua.
Theo giới chuyên gia, những tổn thất về kinh tế có thể nhìn thấy ngay chỉ là những ảnh hưởng trực tiếp, còn những rủi ro gián tiếp cũng vô cùng nặng nề cho doanh nghiệp như mất niềm tin, mất uy tín... dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Con số thiệt hại này đã lên tới con số hàng tỷ USD. Quan trọng hơn, tác động này còn bị lâu dài, không chỉ trong ngày một ngày hai để doanh nghiệp có thể xử lý dứt điểm.
Ý thức được điều này, nhiều doanh nghiệp Việt đã tăng cường đầu tư cho bảo mật, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Theo Kaspersky Lab, năm qua, doanh thu của hãng tại Việt Nam ở mảng B2B tăng trưởng hơn 200%, đặc biệt khối doanh nghiệp lớn (Enterprise Business) đạt con số ấn tượng với mức tăng trưởng hơn 400%.
Thực tế trong năm 2018, các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam đã đương đầu với nhiều rủi ro, thử thách và các cuộc tấn công có chủ đích, nhất là khối tài chính.
Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10 quốc gia hứng chịu các cuộc tấn công mạng và lây nhiễm mã độc nguy hiểm. Việt Nam xếp thứ 7 các quốc gia nạn nhân (theo báo cáo bảo mật quý 3/2018 của Kaspersky Lab) và thứ hai trong các quốc gia bị nhiễm mã độc đào tiền ảo nhiều nhất trong năm 2018.
Theo Hiệp hội An toàn thông tin, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt đã có ý thức tốt hơn về việc bảo mật, bảo vệ an toàn an ninh mạng, nhất là hệ thống các ngân hàng bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, được tin tặc chú ý tới nhiều nhất.
Hiện nhiều ngân hàng đang đầu tư đổi thẻ từ sang thẻ chip nhằm gia tăng bảo mật cho khách hàng. Một loạt các ngân hàng cũng ký kết triển khai các hợp đồng giải pháp và giám sát bảo mật an toàn thông tin đới với các doanh nghiệp chuyên về bảo mật như Microsoft, Bkav, FPT, CMC...
Ngay các nhà mạng lớn như Vinaphone, MobiFone cũng thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của Việt Nam như Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VnCert), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An), cũng như các công ty cung cấp dịch vụ an toàn thông tin...
Ông Vũ Quốc Khánh, Hiệp hội An toàn thông tin cho rằng, việc nâng cao nhận thức về bảo mật của doanh nghiệp trong thời gian qua là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên vẫn chưa đủ nếu doanh nghiệp Việt muốn phát triển bền vững trong CMCN 4.0.
"Doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải nâng cao ý thức hơn. Một cuộc tấn công mạng tưởng chừng nhỏ từ một lỗi bất cẩn của doanh nghiệp cũng có thể gây thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp. Thiệt hại lớn nhất là doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản do mất niềm tin từ khách hàng...", ông Vũ Quốc Khánh nhận định./.
Vân Anh/VOV