Doanh nghiệp xã hội và hợp tác đa ngành trong đại dịch COVID-19

Thứ hai, 20/04/2020 - 10:49

TNV - Đại dịch Covid 19 thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế -xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đại dịch khiến hoạt động sản xuất trì trệ, thương mại bị hạn chế, sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế đều bị “đóng băng” dẫn tới sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp

Trong bối cảnh đó, khu vực doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội - những doanh nghệp sử dụng mô hình kinh doanh để giai quyết các vấn đề xã hội và môi trường càng trở nên “nhạy cảm” hơn với những tác động từ đại dịch. Điều đáng lo ngại là phần lớn người lao động và người hưởng lợi trực tiếp từ các DNXH là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường Đại học kinh tế quốc dân đầu tháng 4/2020 về tác động của đại dịch Covid -19 tới các doanh nghiệp xã hội Việt Nam, ước tính sơ bộ ban đầu Covid-19 khiến giảm doanh thu (66%), lợi nhuận (69%), và ít nhất là nhân sự (32%) của các DXNH Việt Nam. 68% các DNXH có giảm trên 50% doanh thu và lợi nhuận.

Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các DNXH về giáo dục, dậy nghề cho nhóm yếu thế (do giãn cách xã hội, các trường không quay trở lại học từ sau Tết đến nay), du lịch và đồ thủ công mỹ nghệ. Nếu tình hình như hiện nay và tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2020, ước tính có khoảng 46 nghìn người hưởng lợi của các DNXH và 990 nghìn người hưởng lợi từ các DN tạo tác động bị giảm về những hỗ trợ nhận được. Có khoảng 163 nghìn người hưởng lợi từ các DNXH và 3,5 triệu người hưởng lợi từ các DN tạo tác động không còn tiếp tục được nhận các hỗ trợ từ khu vực doanh nghiệp này. Có 68% các DNXH vẫn nỗ lực duy trì hoạt động cho đến hết quý II/2020, tuy nhiên, nếu kịch bản COVID-19 kéo dài đến hết quý III, con số tạm dừng hoạt động và phá sản dự kiến sẽ là 38%.

Để có cái nhìn toàn cảnh về tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và các nước đang phát triển đồng thời chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn trong đại dịch của doanh nghiệp xã hội ở các nước cũng như những hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ, các tổ chức quốc tế cho doanh nghiệp xã hội, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia (NSSC), Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức Buổi Thảo luận bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp xã hội và hợp tác đa ngành trong đại dịch COVID-19”từ 15.00 giờ Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2020

Buổi thảo luận có sự tham gia của PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Bà Nguyễn Như Quỳnh, đại diện UNDP Việt Nam; Bà Trần Hồng Gấm, đại diện Hội đồng Anh Việt Nam; Nhà báo Hoàng Tư Giang, báo Vietnamnet.vn; Bà Noral Wang, giảng viên trường Đại học Polytechnic, Hồng Kông; Ông Alforde Charumbira, Doanh nhân và nhà phân tích xã hội từ Trường Đại học Cape Town, Nam Phi; Ông Tristan Ace, quản lý chương trình DNXH toàn cầu thuộc Hội đồng Anh; Ông Gomer Padong, chuyên gia hợp tác chương trình và phát triển tại Viện Doanh nhân Xã hội Châu Á; Ông Suraj Shrestha, quản lý chương trình tại ADRA, Lào.

Toạ đàm sẽ phác hoạ bức tranh về tác động của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp xã hội cũng như hỗ trợ từ chính phủ các nước Phi-lip-pin, Lào, Nam Phi và Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia gồm  ông Gomer Padong, Suraj Shrestha và Alfie Charumbira, PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng. Về phía UNDP Việt Nam, bà Nguyễn Như Quỳnh, đại diện UNDP Việt Nam chia sẻ những kết luận chính rút ra từ khảo sát về “Tác động của COVID-19 tới doanh nhân xã hội trẻ các nước Châu Á Thái Bình Dương”. Tiếp nối, các diễn giả cùng trả lời và thảo thuận sâu hơn về các câu hỏi được đặt ra xoay quanh chủ đề của buổi thảo luận bàn tròn.

Buổi thảo luận bàn tròn được phát sóng trực tiếp trên các trang truyền thông online, fanpage của Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Vietnam Startup TV.

P.V