TNV - Sáng ngày 11/09 vừa qua tại Thủ đô Newdehli - Ấn Độ, Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) đã tổ chức chương trình “Hội ngộ Kỷ lục Thế giới lần thứ 4”. Chương trình có sự tham gia của gần 3.000 lãnh đạo các doanh nghiệp và cộng đồng Kỷ lục gia trên Thế giới. Nhiều Kỷ lục Thế giới, châu Á mới và những danh hiệu cao quý dành cho các Kỷ lục Gia của Việt Nam cũng đã được vinh danh tại sự kiện hội ngộ lần này.
Cũng trong chương trình, Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec ( Chủ đầu tư dự án KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền – Hải Phòng) đã vinh dự đón nhận danh hiệu Tiến sỹ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University – WRU) – Trực thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) với nội dung: “Doanh nhân – Luật sư nghiên cứu, thực hiện các đề tài đạt nhiều giải thưởng Quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để ứng dụng vào việc xây dựng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam”.
Doanh nhân – Luật sư Phạm Hồng Điệp là người vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2 lần gửi thư khen ngợi, ghi nhận những đóng góp của ông trong công cuộc bảo vệ môi trường. Lần đầu tiên là vào mùa xuân năm 2008, khi “Quỹ sáng tạo trong môi trường bền vững” của ông được thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, đồng thời mong mỏi: “ Loài người đang đứng trước hiểm họa sống trong một môi trường không bền vững do chính sự vô ý thức của mình. Do đó bảo vệ môi trường đang là một trong những vấn đề cần được quan tấm nhất hiện nay. (…). Tôi rất vui mừng khi được biết một trong số những doanh nhân Việt Nam hiện nay có những người không chỉ biết làm giàu cho bản thân, cho đất nước mà còn có những đóng góp đáng kể vào hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường bền vững”. Đại tướng đã tự tay đặt bút sửa những từ ngữ mình chưa ưng ý trong thư với mong ước “Đây là điều cần được nhân rộng và sự đồng thuận của cơ quan chức năng trước một vấn đề nóng bỏng của thời đại trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Tôi mong quỹ đạt được những kết quả tốt đẹp từ việc làm đầy ý nghĩa này”.
Trước đó Doanh nhân Sao đỏ Phạm Hồng Điệp cũng đã đón nhận được 02 Kỷ lục Việt Nam, do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng. Đồng thời ông cũng đã được Liên đoàn các nhà sáng tạo Thế giới trao tặng đĩa vàng sáng tạo và huy hiệu thành viên của Liên đoàn vì những sáng tạo và đóng góp không ngừng nghỉ của mình trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông cũng chính là Doanh nhân trẻ đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực môi trường.
Là một người thích kinh doanh nhưng đồng thời cũng rất yêu thiên nhiên môi trường, doanh nhân Phạm Hồng Điệp bộc bạch: “Tôi đã đi nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam, chứng kiến biết bao làng quê ở trong tình trạng ô nhiễm bởi rác thải, ruồi muỗi và bệnh tật. Chúng ta có thể bắt gặp rác thải ở nhiều nơi, trên bất cứ vùng miền nào của đất nước bởi không có sự quy hoạch một cách chặt chẽ. Và tôi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao con người chúng ta lại khoanh tay nhìn môi trường đang dần chìm trong sự ô nhiễm? Từ đó tôi luôn băn khoăn, trăn trở về vấn đề này”.
Từ những trăn trở đó, ông không ngừng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Singgapore và Nhật Bản – những nước được coi là có những mô hình Khu công nghiệp sinh thái với hình thức kinh tế tuần hoàn chuẩn mực.
Ông Điệp cho biết, với thế giới, KCNST là tập hợp các cơ sở sản xuất và dịch vụ tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường và hiệu quả kinh tế bằng cách phối hợp quản lý môi trường và tài nguyên. Bằng cách làm này, các nhà máy trong cùng KCNST sẽ thu được những lợi ích chung lớn hơn nhiều so với tổng lợi ích mà từng nhà máy đạt được khi tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của riêng cơ sở mình. Mục tiêu của KCNST là cải thiện hiệu quả kinh tế của tất cả các nhà máy tham gia vào KCNST đồng thời giảm thiểu các tác động của chúng đến môi trường.
Dựa trên mục tiêu đó, với nền tảng kiến thức mà ông đã dày công tìm hiểu nghiên cứu, KCN Nam Cầu Kiền của ông đang hướng tới các hoạt động kinh tế tuần hoàn, hướng tới giảm thiểu phát thải cacbon, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn chất thải. Tái sinh, tái chế, tái sử dụng chất thải của nhà máy này sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy khác; các nhà máy hướng tới sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường (sản phẩm sạch); xử lý chất thải tập trung. Như vậy, hiểu một cách đơn giản “tự sản, tự tiêu”, hình thành nên một “Hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh”.
Việc trao tặng danh hiệu cao quý này chính là sự ghi nhận và đánh giá cao của Liên minh Kỷ lục Thế giới đối với những đóng góp và sáng kiến của Ông Phạm Hồng Điệp và đội ngũ ban lãnh đạo Công ty CP Shinec trong việc hiện thực hóa mục tiêu “Phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường”.
Hoàng Hà