Hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân sống tại Thôn Hồ Lân (xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đều tổ chức lễ hội Ngư dân Vạn ngư nghiệp theo phong tục tín ngưỡng truyền thống trong đời sống tâm linh của người Việt. Lễ hội này có ý nghĩa đặc biệt với những ngư dân sống nương nhờ nguồn cá tôm dồi dào của biển khơi mênh mông.
Lễ hội Ngư dân Vạn ngư nghiệp xuất phát từ thế kỷ XIX khi vùng đất này được khai phá và có nhiều ngư dân tập trung sinh sống. Năm Canh Dần (1890), triều Nguyễn vua Thành Thái cấp sắc lệnh cho việc phụng thờ Thần Nam Hải.
Khi đó, các vị có công xây dựng, khai hoang, lập đất tại vùng này như ông Nguyễn Lễ, Nguyễn Hữu Học quyết định vào mùa xuân hằng năm ngày 16/3 sẽ tổ chức lễ hội Cầu ngư với mong muốn quốc thái dân an, ngư nông được mùa.
Trước kia, vùng đất này tiền thân là Vạn Kỳ Lân Hồ - vạn cuối cùng của dải đất duyên hải miền Trung. Sau đó, vùng đất này trải qua những năm kháng chiến, bà con chung tay góp sức trong công cuộc bảo vệ đất nước. Đến năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, có 72 hộ dân di dời đến vùng đất mới, tên gọi là rẫy Chùm Hai. Vạn Kỳ Lân Hồ trên vùng đất mới được đổi tên thành vạn Xóm Rẫy.
Đến năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Người dân địa phương về vùng quê cũ, Dinh Vạn cũng được phục dựng. Trong quá trình hình thành và phát triển của Vạn Xóm Rẫy, người gốc Huế và Quảng Trị về đây lập nghiệp và chung tay xây dựng Vạn ngày càng khang trang. Từ đó, họ chọn cách tổ chức lễ hội cũng thể hiện rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn".
Thôn Hồ Lân (Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) được thiên nhiên ưu ái với bờ biển dài nên người dân địa phương tận dụng và khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản. Hằng ngày, ngư dân đối diện với biển cả để mưu sinh, đứng trước những thử thách khôn lường và đầy bất trắc. Vì thế, khi gặp những chuyện khó khăn hay thiên tai, thử thách họ dựa vào thần linh để cầu nguyện bình an.
Đến tháng 3, người dân sẽ tổ chức lễ hội Ngư dân Vạn ngư nghiệp với mong ước mưa thuận, gió hòa và được ân trên che chở, giúp đỡ. Lễ hội còn có ý nghĩa củng cố thêm sức mạnh để ngư dân vươn khơi, bám biển.
Lễ hội Nghinh Ông hay lễ hội Ngư dân là lễ hội hàng năm lớn nhất của cư dân ven biển ở Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và người dân sống tại thôn Hồ Lân nói riêng. Lễ hội này có nguồn gốc từ tục thờ cá Ông (tức cá voi) vốn là một tín ngưỡng dân gian khá lâu đời của ngư dân và của những dân có phương thức mưu sinh gắn liền với biển từ duyên hải Quảng Bình trở vào đến Nam Bộ.
Theo quan niệm của ngư dân, cá Ông là một động vật thiêng ở biển, có thân hình đồ sộ, nhưng không bao giờ làm hại người, trái lại, đã từng cứu người làm nghề trên biển bị tai nạn, đắm thuyền.
Quy mô lễ hội ở từng địa phương có thể khác nhau tuy nhiên nội dung cốt lõi, các nghi thức lễ đều có nét tương đồng. Lễ hội Ngư dân Vạn ngư nghiệp của người dân thôn Hồ Lân kéo dài trong 2 ngày, tức 15, 16 tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Ngư dân Vạn ngư nghiệp ở thôn Hồ Lân sẽ có 2 phần bắt buộc là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ bao gồm lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Sau phần lễ là phần hội, phần này bao gồm những hoạt động vui chơi và ăn uống.
Vào ngày lễ chính, các thành viên trong làng chọn ra các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không mắc tang chế để thành lập một ban nghi lễ đảm nhận nhiệm vụ điều phối và thực hiện các nghi thức trong phần lễ.
Phần quan trọng nhất của buổi lễ là lễ cúng ông thần Nam Hải và các vị thần nhập diện, diễn ra vào lúc 7h30 sáng. Lễ cúng được tổ chức tại đình làng, miếu thờ Ông Nam Hải, người dân sẽ tập trung và dâng hương, lễ vật cho thần linh và tiến hành nghi thức cầu nguyện.
Sau đó, người dân tiến hành thực hiện lễ Nghinh cô hồn cũng tương tự phương thức cúng cô hồn mà chúng ta thường thấy vào mỗi tháng 7. Sau phần lễ sẽ đến phần hội với những trò chơi dân gian giúp các ngư dân giải trí và gắn kết với nhau, mang đậm tính cộng đồng trong văn hoá Việt. Người dân thôn Hồ Lân tổ chức các trò chơi dân gian và lễ hội đua thuyền thúng, mang không khí vui tươi, hào hứng. Đây là những nét văn hoá truyền thống không thể thiếu trong phong tục thờ cúng đối với người dân miền biển.
Ở ngày thứ 2, người dân tiến hành phần lễ từ 1h sáng đến 10h sáng bao gồm thỉnh sanh, giỗ tiền hiền, tế âm linh, tế đại đàn. Hay gọi chung nghi thức này là tế lễ. Tế lễ là mọi người tham gia dâng lễ vật một cách long trọng lên Ngài Tiền Hiền nhằm thể hiện tấm lòng sùng kính và sự biết ơn công lao của bậc tiền nhân đã có công khai phá, tạo lập làng, dựng dinh và xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Lễ tế được tổ chức một cách trọng thể với cờ xí, nhạc lễ và phẩm phục; thành phần ban Tế: Chủ tế , Bồi tế, Đông hiến, Tây hiến, Nội tán, Chấp sự, Đồng văn.
Diễn trình các nghi thức trong nghi lễ Tế Tiền hiền diễn ra trang nghiêm, được thực hiện và tuân thủ đúng theo quy lệ xưa do những người đi trước truyền đạt và lưu giữ. Sau phần nghi lễ, các ngư dân, người dân địa phương và quan khách tham quan sẽ được thưởng thức ẩm thực do người dân chuẩn bị. Đây là hoạt động giao lưu gắn kết giữa mọi người sinh sống trong vùng ven biển Hồ Lân.
Lễ hội Ngư dân Vạn ngư nghiệp cũng là một hoạt động tôn vinh truyền thống và văn hóa ngư nghiệp. Lễ hội là dịp để ngư dân bày tỏ lòng biết ơn đối với thần biển và tôn vinh nghề ngư nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, lễ hội còn mang tính gắn kết cộng đồng, là cơ hội để ngư dân và người dân trong vùng gặp gỡ, giao lưu, tăng cường tình làng nghĩa xóm. Với những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội ngư dân cũng thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.