TNV - Thực tiễn cho thấy, hiện nay trước những tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là, chất lượng giáo dục và đào tạo. Về cơ bản vẫn là những tác động trực tiếp từ các yếu tố bên trong, như, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy và phương thức tổ chức đào tạo, trong đó, phương pháp giảng dạy là yếu tố quyết định trực tiếp. Nội dung bài viết này, tác giả xin đề cập tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo quan điểm “lấy người học làm trung tâm” ở Trường chính trị Thanh Hóa hiện nay.
Trong nền giáo dục hiện đại, phương pháp giảng dạy có chất lượng và hiệu quả hiện nay là phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm”. Vậy, thực chất phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm” là gì? Những yếu tố, tiêu chí đánh giá phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm”?
Trong lý thuyết công nghệ đào tạo, phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm” gồm các yếu tố cơ bản như, dạy học phải xuất phát từ nhu cầu, động cơ, đặc điểm, điều kiện của người học – đây là những yếu tố đầu vào rất quan trọng để xác định phương pháp giảng dạy; dạy học phải xuất phát từ yêu cầu của quá trình đào tạo, đòi hỏi người học phải nỗ lực tối đa về cả thể chất, tinh thần, trí lực để tham gia vào quá trình dạy – học, từ đó, người học tích cực, chủ động trong chiếm lĩnh tri thức thông qua việc tự nghiên cứu, tìm tòi, suy nghĩ và tích cực tham gia vào các hoạt động thực hành; dạy học phải theo khả năng tư duy, nhận thức của người học; giảng viên phải làm cho người học có phương pháp tư duy riêng, không gò ép người học theo khuôn mẫu định sẵn từ giảng viên, đây chính là cá biệt hóa trong quá trình dạy học; giảng viên còn phải khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để người học thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, qua đó, không ngừng cải tiến phương pháp tự học cho phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Như vậy, phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm” cần phải chú ý đến quyền lợi chung của người học cũng như của từng học viên và phải làm cho người học tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, qua đó, để phát triển năng lực tư duy, nhận thức, kỹ năng, thái độ, xây dựng ý chí phấn đấu và tự giác học tập suốt đời.
Bám sát đặc điểm của đối tượng học viên các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (LLCT-HC) là cán bộ, công chức ở các cơ sở; số đông đã có thời gian công tác, có kinh nghiệm thực tiễn, có vốn sống. Đặc biệt nhiều học viên đang giữ vị trí là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị ở cơ sở; nhiều học viên đã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ ở trình độ cao đẳng, đại học và có cả sau đại học, có trải nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, qua nhiều môi trường công tác. Đây là tiền đề thuận lợi để học các môn lý luận chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, học viên đào tạo chương trình Trung cấp LLCT - HC vẫn còn bộc lộ rõ một số hạn chế, như: thiếu tính hệ thống trong nhận thức lý luận; năng lực vận dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn của nhiều học viên còn lúng túng, nhất là những học viên tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn chưa có hoặc chưa tham gia ổn định ở một vị trí công tác trong bộ máy của hệ thống chính trị (cán bộ bán chuyên trách, cán bộ trong nguồn quy hoạch để bố trí vào biên chế của bộ máy). Đây là những cán bộ có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc cao đẳng, đại học về một số lĩnh vực, nhưng chưa tham gia làm việc theo ngành nghề đã đào tạo. Những cán bộ này chưa có thu nhập ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, nên động cơ, ý thức học tập có lúc còn chưa thực sự yên tâm. Ngoài những đặc điểm nêu trên, hiện tại vẫn còn số ít học viên còn quan niệm rằng, học chính trị cốt là lấy bằng để chuẩn hóa theo vị trí được đề bạt, bổ nhiệm. Đây là suy nghĩ chưa đúng, chưa thấy hết ý nghĩa của kiến thức lý luận trong các hoạt động chuyên môn và trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Quán triệt đầy đủ những yêu cầu của phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm”, đặc điểm của đối tượng người học và mục tiêu đào tạo chương trình Trung cấp lí luận chính trị - hành chính, thời gian qua, trong quản lý đào tạo ở Trường chính trị Thanh Hóa luôn tích cực, chủ động đổi mới đồng bộ trên tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Đặc biệt, tích cực chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó lấy việc thực hiện các yêu cầu của phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm” là tiêu chí đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên. Trong đổi mới phương pháp dạy học, yêu cầu đội ngũ giảng viên thực hiện nghiêm túc các yêu cầu sau:
Thứ nhất, giảng dạy phải bám sát nhu cầu, động cơ, đặc điểm, điều kiện của học viên – yếu tố đầu vào
Trong các hoạt động chuyên môn, Giám hiệu chỉ đạo giảng viên trước khi soạn bài lên lớp phải nghiên cứu đối tượng người học, tìm hiểu đặc điểm, những thông tin liên quan, từ đó, lựa chọn phương pháp giảng dạy và liên hệ thực tiễn cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường còn chỉ đạo các khoa chuyên môn xây dựng hệ thống câu hỏi định hướng nội dung ở các môn học, chuyển trước để học viên chủ động nghiên cứu tài liệu học tập, liên hệ thực tiễn công tác của bản thân; đồng thời, đặt ra những trăn trở, băn khoăn về nội dung các bài giảng và trao đổi cùng giảng viên trong giờ lên lớp.
Thứ hai, giảng dạy phải tạo bước chuyển về phương pháp học của học viên từ thụ động lĩnh hội tri thức thành chủ động tự nghiên cứu, tìm tòi, suy nghĩ và tích cực tham gia các hoạt động dạy – học
Để thực hiện yêu cầu chuyển từ cách học thụ động sang chủ động tự nghiên cứu, tìm tòi, suy nghĩ của học viên, Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các khoa chuyên môn đổi mới quy trình giảng dạy môn học, theo đó, khoa chuyên môn vừa giảng dạy lí luận trên lớp, kết hợp tổ chức cho học viên đi nghiên cứu, thâm nhập thực tế địa phương để hiểu đúng, hiểu sâu và biết cách vận dụng kiến thức lí luận với thực tiễn công tác của cá nhân, đơn vị. Sau khi đi nghiên cứu thực tế, học viên sẽ có bài thu hoạch về những nội dung của môn học, báo cáo trước tập thể lớp và khoa chuyên môn.
Thứ ba, dạy học phải chú ý đến năng lực tư duy, nhận thức riêng của người học, không gò ép học viên theo khuôn mẫu định sẵn của giảng viên.
Để phát huy năng lực tư duy của mỗi học viên, trong chỉ đạo chuyên môn, Ban Giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu các khoa chuyên môn tăng cường đổi mới phương pháp, chú ý phát triển năng lực tư duy, nhận thức và đặc điểm riêng của người học theo hướng giảng viên hướng dẫn cho học viên tự nghiên cứu để tìm kiếm kiến thức, thực hiện đúng phương châm “học hiểu, học vận dụng”, chứ không gò ép học viên theo khuôn mẫu định sẵn của giảng viên.
Trong những năm qua nhà trường đã tổ chức các Hội thi “Thuyết trình ý tưởng” theo chủ đề cụ thể theo từng năm học, gắn với các ngày lễ lớn, để mỗi học viên nhận thức và vận dụng kiến thức lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, qua đó, phát huy năng lực tư duy, nhận thức và rèn luyện kỹ năng thuyết trình, diễn đạt, xử lý tình huống ... cho mỗi học viên. Năm học 2016-2017, nhà trường đưa phần thi thuyết trình là một nội dung của Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường, qua đó phát huy được ý tưởng của giảng viên phục vụ cho việc đổi mới công tác dạy và học của nhà trường.
Thứ tư, phương pháp giảng dạy của giảng viên phải tạo điều kiện để mỗi học viên thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cải tiến phương pháp học cho phù hợp.
Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ cách thức thi, kiểm tra từ khâu định hướng ôn tập, ra đề, coi thi, chấm thi; bên cạnh đó, nhà trường còn đổi mới từ đánh giá kết quả cuối cùng sang đánh giá quá trình học tập. Đặc biệt, nhà trường đang định hướng, chỉ đạo chuyển từ hình thức thi “Đề đóng” sang “Đề mở”, thi vấn đáp, thi trắc nghiệm, nhất là ở các phần học, môn học kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể. Hiện nay, trong thực hiện chương trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC theo Quyết định 1479 của Giám đốc Học viện Chính trị Qốc gia Hồ Chí Minh, môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý đã được Giám hiệu nhà trường đồng ý cho chuyển từ hình thức thi tự luận, sang thi vấn đáp ở các lớp Trung cấp LLCT – HC tập trung, kết quả bước đầu cho thấy, học viên đã chủ động, tích cực hơn trong thái độ học tập.
Có thể khẳng định, đổi mới đánh giá phương pháp giảng dạy Trung cấp LLCT-HC theo hướng “lấy người học làm trung tâm” ở Trường Chính trị Thanh Hóa hiện nay là một cách làm đúng đắn và sáng tạo, thông qua các tiêu chí đánh giá đòi hỏi đội ngũ giảng viên nhà trường phải luôn nổ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn; trong dạy học phải xuất phát từ đối tượng, đúng mục tiêu và nội dung của chương trình để lựa chọn phương pháp giảng dạy cho phù hợp; qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tào, bồi dưỡng của nhà trường và thực hiện tốt nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đề ra “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và khu vực” vào năm 2020.
Ths. Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng khoa Dân vận)