Đối mới hệ thống chính trị cấp cơ sở từ thực tiễn Hà Nội hiện nay

Thứ tư, 24/04/2019 - 14:30

Sau 5 năm thực hiện Ðề án số 06-ÐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đ ảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội", Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiện toàn, đổi mới hệ thống chính trị.

Năm 2019, Hà Nội tiếp tục lựa chọn và thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.Việc đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở là điều cần thiết, để từ đó đưa ra phương hướng, giải pháp đổi mới, phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Tính tất yếu phải đối mới hệ thống chính trị cấp cơ sở:

Sự tác động của những vấn đề quốc tế

Có thể nhận thấy, toàn cầu hoá hiện nay đang diễn ra với những nét khác biệt hết sức lớn so với các giai đoạn trước mà nhân loại đã từng chứng kiến. Nó tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có quá trình dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội. Tác động của toàn cầu hoá hiện nay đến quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội diễn ra cả theo hướng tích cực lẫn theo hướng tiêu cực, vừa tạo cơ hội cho sự phát triển, sự tiến bộ, vừa làm nảy sinh không ít những thách thức mà mọi HTCT phải đối mặt, phải sớm tìm cách giải quyết để thúc đẩy lịch sử tiến lên. Chính quá trình đó đặt ra vấn đề, HTCT cần phải đổi mới để có thể không những theo kịp, mà còn vượt lên trước và làm chủ quá trình toàn cầu hóa.

Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho tổ chức và quản trị HTCT.

Sự tác động của những vấn đề trong nước

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, cơ chế về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị vẫn là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, qua thực hiện chủ đề công tác năm 2018 đã tạo kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô, song vẫn còn những hạn chế cần khắc phục ngay để thực hiện tốt hơn chủ đề này trong năm 2019.

Đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan của hệ thống chính trị

Việc đổi mới HTCT cấp cơ sở ở Hà Nội hiện nay, xét cả trên phương diện lý luận lẫn phương diện thực tiễn, là một đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan. Tính tất yếu đó được quy định bởi:

- Việc đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, chỉ có thể được thực hiện và dựa trên cơ sở vững chắc khi có sự đổi mới tương ứng của HTCT.

- Đổi mới còn là một nhu cầu tự thân của của HTCT. Để HTCT luôn theo kịp sự vận động, phát triển của cuộc sống, phát huy vai trò hướng dẫn, định hướng sự phát triển xã hội đi đúng quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, phù hợp với các quy luật khách quan, đương nhiên, HTCT cũng phải luôn có sự phát triển, đổi mới.

- Đổi mới HTCT còn là yêu cầu khách quan nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý xã hội của Nhà nước vừa xây dựng và thực hiện nền dân chủ XHCN ở nước ta trong giai đoạn cách mạng mới.

Phương hướng đối mới hệ thống chính trị cấp cơ sở từ thực tiễn Hà Nội hiện nay

Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 109-KH/TU về tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Ðề án số 06-ÐA/TU. Theo đó, đối với các chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên (hơn 100 đảng viên), Thành ủy yêu cầu cấp ủy cấp trên, trực tiếp là đảng ủy xã, phường, thị trấn, tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ này; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động của chi bộ, kịp thời chỉ đạo, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, thiếu sót trong việc duy trì, chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng trong sinh hoạt chi bộ.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu từng bước kiện toàn mô hình kiêm nhiệm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; nghiên cứu mô hình kiêm nhiệm các chức danh gắn với khoán kinh phí hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, tổ dân phố, trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm từ quý I/2019. Thành phố phấn đấu đến năm 2023, có từ 50% trở lên số thôn, tổ dân phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.

Trong giai đoạn mới, việc nâng cao chất lượng hoạt động HTCT cấp cơ sở ở thành phố Hà Nội phải bám sát các quan điểm của Trung ương, thể hiện ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa X  đã ban hành Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện HTCT từ Trung ương đến cơ sở, trong đó nhấn mạnh mục tiêu "xây dựng bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và có tiền lương, thu nhập đảm bảo cuộc sống".

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần tạo ra chuyển biến tích cực ở cơ sở, làm cho HTCT ở cơ sở thực sự năng động, sáng tạo, hoạt động có hiệu quả, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HTCT cấp cơ sở ở Hà Nội cần phải thực hiện nhất quán những quan điểm sau:

- Thứ nhất, tạo nhận thức đúng đắn về đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; công tác tham mưu, tổ chức thực hiện; khắc phục những hạn chế tồn tại, bệnh hình thức, kém hiệu quả trong một số hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ quận đến cơ sở ; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn Đảng bộ phận.

- Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạo đức Hồ Chí Minh. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và cần được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt

- Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT cấp cơ sở phải nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân để họ yên tâm làm ăn sinh sống; từ đó củng cố và phát huy sức mạnh toàn dân trên cơ sở Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

- Thứ tư, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTCT cấp cơ sở phải dựa vào dân, phát huy được kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng nhân dân; động viên được lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm của toàn dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Thuyết phục được quần chúng nhân dân bằng những việc làm thiết thực, bằng hiệu quả hoạt động, bằng sự công tâm, gương mẫu, trung thực, tận tụy, liêm khiết, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ: "Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh". Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết". Với mục đích và động cơ đó, mọi việc lớn nhỏ, trước mắt hay lâu dài khi được triển khai ở địa phương phải có sự cân nhắc tỉ mỉ, cẩn trọng, chu đáo, không gây phiền hà, lãng phí cho dân.

- Thứ năm, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT cơ sở là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết, cần thực hiện mạnh mẽ với quyết tâm chính trị cao; nhưng không vì thế mà nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

Một số đề xuất, kiến nghị đối mới hệ thống chính trị cấp cơ sở từ thực tiễn Hà Nội hiện nay:

Để hệ thống chính trị cơ sở thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò trong việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian tới, theo tác giả, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Một là , đẩy mạnh các giải pháp nhằm sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Từng bước nhất thể hóa một số tổ chức, một số chức danh trong hệ thống chính trị các cấp; nghiên cứu sửa đổi các quy định về chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa các cơ quan chuyên môn…

Hai là , tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm giảm thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Ba là , Trung ương tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách hiện đang công tác tại cơ sở; bổ sung chức danh công chức đối với cán bộ phụ trách văn phòng đảng ủy xã; ban hành chính sách để thu hút đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao về công tác tại cơ sở nhằm trẻ hóa, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Thị Nguyệt