Đổi mới hoạt động đào tạo báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số ở hiện nay

Thứ năm, 12/10/2023 - 10:10

TNV - Chuyển đổi số, từ lâu đã không còn là thuật ngữ xa lạ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí. Nhưng phải khẳng định rằng, sau hơn 2 năm gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19, trong cái khó đã mở ra, thúc đẩy nhiều điều tích cực, thích ứng với hoàn cảnh, trong đó có chuyển đổi số. Suốt hơn 2 năm qua, Việt Nam đã có bước nhảy vọt về chuyển đổi số, ở các cấp độ, những lĩnh vực khác nhau. Báo chí Việt Nam hẳn nhiên không nằm ngoài guồng quay ấy, đặc biệt trong lĩnh vực công tác đào tạo dạy và học, nhanh chóng thích nghi, thay đổi và phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay. Trường đại học Khoa học Thái Nguyên cũng là một trong những trường đại học thực hiện tốt về công tác đào tạo giảng dạy trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.

Rèn luyện kỹ năng làm nghề luôn là ưu tiên số một

Hiện nay trong cả nước có các cơ sở đào tạo báo chí như Học viện Báo chí và Tuyên tuyền; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Đại học quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã mở khoa/viện đào tạo báo chí - truyền thông hơn 20 năm qua. Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Khoa học (Đại học Huế), Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng); Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đều đào tạo hệ tập trung 4 năm và các khóa bồi dưỡng ngắn hạn.

Giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: Ngô Ngọc Linh)

Khác với các mô hình truyền thống đào tạo ngành nghề khác, đối với ngành báo chí truyền thông luôn coi rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu.

12 năm kể từ khi thành lập Báo chí - Truyền thông, đại học khoa học Thái Nguyên đã đào tạo hơn 600 sinh viên ngành báo chí - truyền thông, Với đặc trưng riêng, Nhà trường đào tạo nhân lực gắn với thực tiễn, sinh viên được tác nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường, kết nối chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo lí thuyết trong Nhà trường với hoạt động rèn nghề tại các cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông trong cả nước.

Các nhà báo, giảng viên và sinh viên tham gia chương trình Tọa đàm Báo chí thời đại mạng. (Ảnh: Ngô Ngọc Linh)

Việc “ rèn luyện kỹ năng làm nghề luôn là ưu tiên số một ” tại Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Dựa trên đội ngũ giảng viên trong Khoa, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ, phương pháp dạy học hiện đại cũng là hướng đi mới cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số. Đây là những phương pháp đào tạo cho sinh viên những kiến thức vừa đủ rộng vừa chuyên sâu, hỗ trợ tối đa cho sinh viên báo chí có điều kiện học tập, tác nghiệp, rèn nghề trong môi trường làm báo hiện đại. Dưới sự hướng dẫn của các nhà báo, thầy cô giỏi chuyên môn, vững vàng về kỹ năng nghiệp vụ, nhiều gương mặt cựu sinh viên báo chí của Khoa đang làm tốt nhiệm vụ tại các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương hiện nay.

Áp dụng nhiều kỹ năng phương pháp dạy và học

Ngoài những giờ học trên lớp, sinh viên ngành báo ngay từ năm thứ nhất có nhiều cơ hội tiếp cận với môi trường thực tế trong từng môn học, từng chuyên đề. Qua đó, khả năng tư duy, phát hiện vấn đề, xử lý tình huống và kỹ năng nghề của sinh viên từng bước nâng lên. Đồng thời, kết quả của những chuyến đi cơ sở, xâm nhập thực tế trở thành những tư liệu quý giá trong hành trang tri thức khoa học của sinh viên sau này. Đối với người học báo ngày nay, giảng đường không phải là không gian học tập duy nhất, giáo trình, tài liệu, sách vở cũng không phải là nguồn kiến thức duy nhất. Trên cơ sở phát triển từ chương trình chuẩn, chương trình đào tạo còn tích hợp, bổ sung những môn học có tính thực tế cao về đa phương tiện như báo chí trên điện thoại di động, báo chí dữ liệu, tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông thực hành làm việc nhóm. (Ảnh: Ngô Ngọc Linh)

Bên cạnh đó, quá trình giáo dục chuyển trọng tâm từ thành tích học tập sang trải nghiệm học tập. Sinh viên có cảm thấy hứng thú với việc học tập hay không; sinh viên có hài lòng với môi trường học tập hay không; phản hồi của giảng viên đã chú ý đến khả năng tiếp nhận của sinh viên và giúp sinh viên tiến bộ hơn hay chưa… là những trải nghiệm học tập quan trọng.

Nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp

Nhìn từ thực tiễn, cơ sở đào tạo báo chí có trách nhiệm đào tạo, sinh viên hành nghề một cách có đạo đức và trách nhiệm xã hội, và cơ quan báo chí là nơi tiếp nhận, giáo dục theo sát quá trình hành nghề của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, mô hình hợp tác giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan báo chí có uy tín, các nhà báo có kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, chính là hướng đi đúng đắn mà Trường Đại học Khoa học đã và đang thực hiện.

Sinh viên ngành báo có nhiều cơ hội tiếp cận với môi trường thực tế. (Ảnh: Ngô Ngọc Linh)

Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng, Trưởng Khoa Báo chí - Truyền thông cho biết: Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông không ngừng học hỏi, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo về phương pháp giảng dạy. Mỗi thầy cô trong Khoa không những chuyển tải kiến thức, mà quan trọng hơn là biết cách truyền cho người học tình yêu, niềm tin và sự say mê với nghề.

Như vậy, dưới sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ tạo ra những phương tiện và xu hướng báo chí, truyền thông mới. Hoạt động đào tạo báo chí cũng vậy, các cơ sở đào tạo không ngừng cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo đội ngũ làm báo đáp ứng hoạt động, kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh số hóa như hiện nay. Đào tạo báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số không những đào tạo đúng ngành, đủ người, mà sinh viên khi tốt nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu (chuẩn tuyển dụng) của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông cả về kiến thức, kỹ năng và công nghệ. Đó là niềm hạnh phúc, là động lực lớn lao với những người làm nghề - đào tạo báo chí. Ngọc Khanh