Đến nay, hệ thống chính sách BHXH Việt Nam đã được hình thành tương đối đồng bộ (gồm: Bảo hiểm hưu trí - tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động), cơ bản bao quát các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế về BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trong các ngành, thành phần kinh tế với các loại hình lao động khác nhau.
Đến nay, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã đạt những tiến bộ đáng ghi nhận
Hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Các chính sách BHXH chuyển dần từ tính chất tự nguyện sang chính sách bắt buộc và đang trong lộ trình tiến tới BHXH toàn dân. Hệ thống chính sách này thiết kế cho các đối tượng khác nhau tham gia và quan trọng hơn đó là có sự chia sẻ giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động ở các mức độ khác nhau. Tính chất chia sẻ này góp phần quan trọng để thay đổi nhận thức của người dân, giảm bớt sự ỷ lại vào Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, từ đó, tăng tính bền vững cho chính sách. Quỹ BHXH đang trở thành quỹ tài chính ngoài NSNN lớn nhất, có sự bảo hộ của Nhà nước với sự tham gia của hàng chục triệu người dân để bảo đảm an sinh xã hội trong hiện tại cũng như tương lai.
Bên cạnh đó, sự công bằng trong hệ thống chính sách BHXH được thể hiện thông qua nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ. Quỹ Bảo hiểm hưu trí - tử tuất với mô hình tích lũy đang là quỹ dài hạn có tính chất chia sẻ giữa các thế hệ người lao động. Các quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp) có tính chất chia sẻ giữa người lao động trong cùng một thế hệ. Hiện tại, ngành BHXH đã hoàn thành việc cấp mã số BHXH và thẻ BHYT theo mã số BHXH cho gần 90 triệu người tham gia BHXH, BHYT, đã đồng bộ được dữ liệu thông tin cho trên 66,6 triệu bản ghi dữ liệu người tham gia BHYT và hoàn thành việc cấp 16,6 triệu thẻ BHYT theo mã số BHXH; bàn giao 99,7% sổ BHXH đến tay người lao động.
Với mục tiêu theo lộ trình 2021, 2025 và dự kiến đến 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó lao động khu vực phi chính thức khoảng 5%; 45% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 60% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội.
Chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ gắn với mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình phát triển của nền kinh tế, sự thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và sự tăng dần của lao động làm việc trong khu vực chính thức, năng lực quản trị của Nhà nước và tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhận thức và thu nhập của người dân, những yếu tố đó nếu đạt được kết quả tích cực sẽ tạo cơ hội để tăng nhanh độ bao phủ cũng như chất lượng của chính sách bảo hiểm xã hội.
Th. Anh