Trong khuông khổ bài viết này, tác giả đề xuất một số giải pháp đổi mới phương pháp sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm và thiết bị dạy học hiện đại vào giảng dạy tại trường trung cấp.
Thực trạng
Thiết bị dạy học là một trong những thành tố cơ bản hỗ trợ tối đa cho hoạt động dạy học, nhất là tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các thiết bị dạy học tốt, đạt tiêu chuẩn là công cụ giúp cho quá trình dạy và học đạt hiệu quả cao, kích thích được tư duy người học, huy động được đa số người học tham gia thực sự vào quá trình này, kích thích được sự tìm tòi, ham học hỏi của người học.

Các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy ngành Côngnghệ ô tô, Cơ khí động lực năm 2024 tại trường Trung cấp KT – KT NguyễnHữu Cảnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý, sử dụng, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng và phát triển trang thiết bị đáp ứng với sự đổi mới của chương trình đào tạo thì còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ, có thể kể đến một số tồn tại, hạn chế như sau:
Một là, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh thực hiện các trang thiết bị dạy học tự làm còn hạn chế và chưa được ghi nhận, động viên, khen thưởng tương xứng.
Hai là, năng lực, trình độ, kinh nghiệm của giáo viên trong việc thiết kế, sử dụng các thiết bị tự làm một cách hiệu quả, an toàn vẫn chưa đồng bộ.
Ba là, việc thiết kế các thiết bị tự làm đôi lúc vẫn chưa thuận tiện cho việc học học, giảng dạy; chưa sát với tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên thực tiễn.
Bốn là, chiến lược quy hoạch, đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại dài hạn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Năm là, công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ và hoạt động bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị từ doanh nghiệp cho các cơ sở đào tạo vẫn chưa đồng bộ và chặt chẽ,
Sáu là, việc ứng dụng các thiết bị hiện đại vào bài giảng phụ thuộc vào khả năng, trình độ, nhận thức, tính tự giác, cầu tiến của từng giáo viên.
Bảy là, công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Một số giải pháp cơ bản
Từ những thực trạng trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác, sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm và thiết bị dạy học hiện đại trong công tác giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như sau:
Thứ nhất, các cơ sở đào tạo cần có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ giáo viên tham gia thực hiện thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp với chương trình đào tạo đồng thời tiệm cận các thiết bị của các doanh nghiệp trong thực tế. Có thể tổ chức cho giáo viên tham gia các buổi tham quan, học tập tại các hội chợ, triển lãm, chia sẻ các chuyên đề về các trang thiết bị, mô hình, phần mềm mô phỏng để giáo viên học tập và ứng dụng vào việc thực hiện các trang thiết bị dạy học phù hợp với từng môn học và thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp; tạo điều kiện về kinh phí hoặc kết nối với các đơn vị có liên quan để tài trợ cho giáo viên, học sinh thực hiện các trang thiết bị dạy học tự làm; thực hiện khen thưởng xứng đáng cho giáo viên và học học thực hiện tốt việc chế tạo thiết bị dạy học tự làm…

Tổ chức, hướng dẫn cho học sinh thực hiện học tập trên các trang thiết bị hiện đại.
Thứ hai, tổ chức các buổi tập huấn, nhân rộng việc sử dụng các trang thiết bị tự làm cho các giáo viên cùng chuyên môn để khai thác hiệu quả trang thiết bị trong quá trình giảng dạy và việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị… Xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng cụ thể từng bước sử dụng thiết bị tự làm, đảm bảo mọi người đều nắm vững cách vận hành và bảo trì thiết bị; tạo video mô phỏng và tài liệu số hóa để giảng dạy sinh động và hiệu quả hơn; kết hợp thiết bị tự làm với các phần mềm mô phỏng và trình chiếu để minh họa trực quan và sinh động hơn…
Thứ ba, tăng cường các hoạt động khảo sát, thu thập ý kiến của các chuyên gia về thiết bị, giáo viên, học sinh trong quá trình giảng dạy để không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng của trang thiết bị tự làm đáp ứng quá trình dạy học trong thời đại 4.0. Có thể kết hợp giữa thiết bị tự làm và thiết bị được mua hoặc chuyển giao từ các doanh nghiệp để tổ chức tốt hoạt động giảng dạy giúp học sinh tiếp thu hiệu quả, ứng dụng nhanh chóng vào công việc thực tế.
Thứ tư, cần có chiến lược quy hoạch, đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại dài hạn. Xây dựng chiến lược phát triển cơ sở vật chất hiện đại, phù hợp theo từng giai đoạn và định hướng phát triển ngành nghề, quy mô đào tạo của nhà trường. Tích cực tìm kiếm, huy động nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp; xây dựng các đề án đầu tư cơ sở vật chất theo định hướng từ chính quyền địa phương để từng bước trang bị cho nhà trường.
Thứ năm, tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao tài liệu, kỹ năng sử dụng thiết bị và hoạt động bảo trì bảo dưỡng khi nhà trường nhận trang thiết bị từ doanh nghiệp cho toàn thể giáo viên chuyên ngành để giáo viên làm chủ trang thiết bị, cùng với các thao tác bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị giúp tiết kiệm chi phí cho nhà trường trong hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, tăng cường tuổi thọ của trang thiết bị…
Thứ sáu, khuyến khích giáo viên ứng dụng các thiết bị hiện đại vào bài giảng một cách sáng tạo, thu hút học sinh tham gia học tập, tăng cường chất lượng đào tạo của nhà trường. Chẳng hạn, sử dụng phần mềm mô phỏng và công cụ trình chiếu trực quan; kết hợp học liệu điện tử và nội dung số hóa; tận dụng nền tảng học tập trực tuyến kết nối thiết bị giảng dạy hiện đại với các công cụ học tập trực tuyến để học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi…
Thứ bảy, khuyến khích giáo viên tham gia thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới; hợp tác với doanh nghiệp trong việc đào tạo giáo viên đặc biệt là các trang thiết bị sản xuất tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường các hoạt động đánh giá và cải tiến liên tục để điều chỉnh cách sử dụng thiết bị và phương pháp giảng dạy cho phù hợp đồng thời so sánh kết quả học tập để xác định những cải tiến cần thiết.
Kết quả áp dụng cụ thể
Sau khi áp dụng giải pháp trên vào tình hình thực tế tại Khoa Cơ khí, trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh đã gặt hái được một số kết quả đáng ghi nhận như sau:
Một là, tổ chức thực hiện các thiết bị đào tạo tự làm và ứng dụng giảng dạy hiệu quả tại các môn học Phun xăng điện tử, Trang bị điện ô tô, Điện lạnh ô tô, Kết cấu ô tô của các ngành Công nghệ ô tô, Cơ khí động lực mang lại hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy.

Tổ chức cho học sinh tìm hiểu ngành nghề thực tế tại doanh nghiệp.
Hai là, xây dựng hướng dẫn sử dụng, khai thác, sửa chữa các thiết bị đào tạo tự làm giúp giáo viên và học sinh sử dụng dễ dàng và hiệu quả, cụ thể như sau: Hướng dẫn sử dụng, khai thác, sửa chữa Mô hình phun xăng – đánh lửa Toyota 3S-FE; Mô hình dàn trải hệ thống Điện lạnh ô tô; Mô hình chiếu sáng, tín hiệu Toyota Vios; Mô hình hệ thống phun xăng, đánh lửa điện tử đa điểm; Mô hình hệ thống khởi động ô tô.
Ba là, thực hiện Dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 ngành Công nghệ ô tô, từng bước đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo cũng như tại doanh nghiệp.
Bốn là, đề xuất nhà trường trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy ngành Công nghệ ô tô, Cơ khí động lực; đồng thời tổ chức tập huấn sử dụng các trang thiết bị dạy học ngành Công nghệ ô tô năm 2024 cho toàn thể giáo viên khoa Cơ khí.
Năm là, ứng dụng phần mềm Toyota tis và các chương trình mô phỏng vào công tác giảng dạy trực tiếp cho học sinh, giúp học sinh dễ hình dung và tiếp cận thực tế sản xuất tại doanh nghiệp.
Sáu là, tổ chức, hướng dẫn cho học sinh thực hiện học tập trên các trang thiết bị hiện đại của chuyên ngành Công nghệ ô tô và Cơ khí động lực, cụ thể như: Máy sạc nạp ga hoàn toàn tự động, máy chẩn đoán lỗi ô tô, thiết bị kiểm tra khí ga, đồng hồ vạn năng, mô hình động cơ Toyota, xe Toyota Vios… giúp học sinh nâng cao kỹ năng tay nghề, đáp ứng các yêu cầu sản xuất tại doanh nghiệp.
Bảy là, tích cực tham gia thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy chuyên ngành cụ thể như bảo trì và sửa chữa xe Audi A8, Mercedes E350, Porsche Panamera, Toyota Innova… Đặc biệt là thực hiện vận hành máy thay dầu hộp số tự động tuần hoàn.
Nhiều lợi ích mang lại
Sau quá trình thực hiện các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm và thiết bị dạy học hiện đại trong công tác giảng dạy tại khoa Cơ khí trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, đã mang lại một số lợi ích như sau:
Thứ nhất, đối với nhà trường, đã tạo môi trường giảng dạy và học tập hiệu quả, phát huy được sáng tạo của giáo viên và học sinh, phát huy tốt nguồn lực và tiết kiệm chi phí, nâng cao hình ảnh và uy tín của nhà trường đối với đối với phụ huynh, học sinh và xã hội.
Thứ hai, đối với giáo viên, nâng cao hiệu quả giảng dạy, giảm thời gian chuẩn bị bài giảng, phát triển tốt kỹ năng chuyên môn, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ, tăng cường khả năng tương tác với học sinh, tiết kiệm sức lực và nâng cao sự hài lòng trong công việc, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Thứ ba, đối với học sinh, nâng cao hiệu quả tiếp thu và hiểu bài, nâng cao khả năng tự học, phát triển kỹ năng công nghệ, cải thiện khả năng sáng tạo và thực hành, tăng động lực và hứng thú học tập, nâng cao thành tích học tập, cơ hội tiếp cận và được doanh nghiệp tiếp nhận làm việc cao.
Thứ tư, đối với xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho lao động, sản xuất; thúc đẩy đổi mới giáo dục và chuyển giao công nghệ và sự phát triển bền vững, góp phần xây dựng cộng đồng học tập.
ThS Nguyễn Quốc Đoàn - Phó Trưởng khoa Cơ khí
Trường Trung cấp KT - KT Nguyễn Hữu Cảnh