Bộ Y tế khuyến cáo 3 nhóm cần tiêm bổ sung vaccine COVID-19 khi TPHCM phát hiện biến thể phụ JN.1 của Omicron - Ảnh: VGP/HM
Theo ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các tuần đầu năm 2024, nước ta ghi nhận trên 400 ca mắc COVID-19 mới, gấp 2,7 so với thời điểm tương tự liền kề trước đó. Số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng.
Cũng theo Bộ Y tế, biến thể mới JN.1 chưa có gì thay đổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện phân loại các biến thể của virus SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Biến thể JN.1 là nhóm biến thể cần quan tâm. Số ca mắc có thể sẽ tăng, nhưng sẽ không gây bệnh nặng. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (có bệnh nền, sức đề kháng kém) không nên chủ quan.
3 nhóm cần tiêm nhắc vaccine COVID-19
Liên quan đến việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19, ông Hoàng Minh Đức cho biết, Bộ Y tế đã có cuộc họp với tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 22/1 vừa qua và sẽ tiếp tục họp bàn kỹ với Hội đồng tư vấn về vaccine và tiêm chủng.
Theo đó, quan điểm chung cũng như hướng dẫn của tổ chức WHO, có 3 nhóm cần tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 gồm: người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền; phụ nữ mang thai và người chưa tiêm vaccine COVID-19 mũi nào.
Thời gian tiêm nhắc lại khuyến cáo từ 9-12 tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Tới đây, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Cũng theo ông Hoàng Minh Đức, hiện Việt Nam còn hơn 432.000 liều vaccine Pfizer phòng bệnh COVID-19, hạn dùng đến tháng 9/2024, có thể sử dụng tiêm nhắc cho nhóm có chỉ định như trên.
Hiện, các tỉnh, thành đã tổng hợp trên 100.000 người có nhu cầu tiêm vaccine này. Bộ Y tế sẽ phân bổ vaccine để tiến hành tiêm chủng cho đối tượng có nguy cơ.
Tính từ đầu dịch COVID-19 đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, bệnh truyền nhiễm mới nổi tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, chúng ta cũng phải đối mặt với bệnh mới nổi, bệnh tái nổi như tay chân miệng, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết. Đây là gánh nặng lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Qua số liệu của tổ chức WHO cho thấy, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp. Cũng theo tổ chức WHO, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng 12/2023, số nhập viện cũng tăng 42% so với tháng 11/2023. Trong khi đó, miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian.
"Vì vậy, chúng ta phải chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn, để công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 chủ động, hiệu quả", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Theo Chinhphu