Từ khóa: Đồn Biên phòng; biên giới phía bắc; cải cách thủ tục hành chính; kiểm soát xuất nhập, cảnh.
Cải cách thủ tục hành chính trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu là sự thay đổi theo mục tiêu, định hướng, kế hoạch và sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ huy, chỉ đạo của người chỉ huy. Cải cách không làm thay đổi bản chất của kiểm soát XNC ở cửa khẩu, mà chỉ làm cho kiểm soát XNC ở cửa khẩu trở nên phù hợp, hiệu quả hơn, nhanh chóng và tốt hơn so với trước. Thực hiện CCTTHC trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên (CBNV) cửa khẩu; kết quả thực hiện kiểm soát XNC ở cửa khẩu của ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc được nâng lên và hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu kiểm soát XNC ở cửa khẩu trong tình hình mới.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Ban Chấp hành Trung Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và Hướng dẫn số 2356/HD-BTLBP ngày 18/8/2012 về Hướng dẫn niêm yết công khai thủ tục hành chính đối với người, phương tiện XNC ở cửa khẩu, các đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cần rà soát, sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thủ tục XNC ở cửa khẩu, loại bỏ những thủ tục hành chính phức tạp. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí loại bỏ “Tờ khai xuất, nhập cảnh” tại các cửa khẩu quốc tế, tránh gây phiền hà cho khách XNC, nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu về nghiệp vụ và an ninh, bước đầu tạo lập niềm tin của người dân và doanh nghiệp khi XNC tại cửa khẩu biên giới phía bắc.
Qua nghiên cứu lý luận và khảo sát tại các đồn BPCK cho thấy, CCTTHC là giải pháp đổi mới hữu hiệu về cách thức, phương pháp làm việc của CBNV cửa khẩu trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu, nhằm tạo chuyển biến cơ bản và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho CBNV trực tiếp làm nhiệm vụ tại cửa khẩu và đơn giản hóa thủ tục XNC đối với người, phương tiện. Trên cơ sở đó có kế hoạch điều chỉnh về tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu cho phù hợp với tổ chức, biên chế của Bộ Tư lệnh BĐBP và đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện cải cách hành chính.
Để thực hiện có hiệu quả CCTTHC trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu, ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, đẩy mạnh việc học tập, quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính trong kiểm soát XNC cho đội ngũ CBNV cửa khẩu
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của CCTTHC trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu của ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc, trước hết cần đẩy mạnh việc học tập, quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính cho đội ngũ CBNV làm nhiệm vụ kiểm soát XNC nói chung, CBNV trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hoạt động thủ tục XNC ở cửa khẩu nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của việc thực hiện cải cách hành chính, như: Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 2984/QĐ-BQP ngày 16/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc Công bố, bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng; Quyết định số 3357/QĐ-BQP ngày 14/9/2011 của Bộ Quốc phòng về Công bố các thủ tục hành chính được ban hành mới; sửa đổi, bổ sung; bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng; Công văn số 1833/BTL-CK ngày 08/6/2016 của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu và những giải pháp thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh BĐBP. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 387-NQ/ĐU ngày 13/3/2022 của Đảng ủy BĐBP về lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu và xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện có hiệu quả CCTTHC trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu, việc quán triệt, học tập chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính cho CBNV cửa khẩu là việc làm cần thiết. Do đó, ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc cần phổ biến, quán triệt cho CBNV cửa khẩu thấy được sự thay đổi về phương pháp, cách thức thực hiện kiểm soát XNC ở cửa khẩu là yêu cầu khách quan, bất kỳ sự coi nhẹ nào cũng làm trở ngại cho tiến trình CCTTHC trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu của ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc. Khi CBNV cửa khẩu đã nhận thức được sự thay đổi về phương pháp, cách thức thực hiện kiểm soát XNC ở cửa khẩu là yêu cầu tất yếu, từ đó CBNV cửa khẩu sẽ thay đổi được cách nghĩ, cách làm trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu. Mặt khác, phải giáo dục cho CBNV cửa khẩu hiểu rằng không nên trông chờ, ỷ lại, dập khuôn, máy móc trong công tác, mà chính bản thân từng CBNV cửa khẩu phải chủ động, tìm tòi, sáng tạo, tạo ra sự thay đổi tiến bộ hơn trong công việc.
Hai là, tiếp tục cải cách đơn giản hóa và thống nhất phương pháp kiểm soát XNC ở cửa khẩu
Cần rà soát lại hệ thống tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu, đánh giá mức độ phù hợp của việc bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu, để xác định các nội dung công việc cần phải đổi mới. Tham mưu đề xuất cấp trên lắp đặt thống nhất các cabin làm thủ tục XNC tại các cửa khẩu. Nhân viên làm thủ tục tại mỗi cabin thực hiện theo quy trình khép kín từ: Tiếp nhận, kiểm tra hộ chiếu giất tờ (HCGT); kiểm tra nhân thân người XNC; đăng ký thông tin người, phương tiện XNC vào hồ sơ quản lý; cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh (nếu có); kiểm chứng hộ chiếu, giấy thông hành XNC; cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài và trả HCGT cho người, phương tiện XNC. Phương pháp bố trí lực lượng theo từng cabin, sẽ giúp cho các trạm BPCK kiểm tra HCGT và giải quyết thủ tục XNC cho người, phương tiện một cách nhanh chóng, không để xảy ra ùn tắc vào những giờ cao điểm.
Việc cải tiến đơn giản hóa hoạt động thủ tục XNC ở cửa khẩu phải bảo đảm chặt chẽ về an ninh, thông thoáng trong làm việc, không gây phiền hà cho khách XNC và tiếp tục nghiên cứu cải tiến phương pháp tác phong làm việc của CBNV cửa khẩu, tham mưu cấp có thẩm quyền loại bỏ dần các thủ tục rườm rà, những khâu công tác không còn phù hợp. Tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử và thực hiện cơ chế “Một cửa, một điểm dừng” tại cửa khẩu.
Thực hiện nghiêm việc kiểm chứng 10 ngày 01 lần vào giấy thông hành của công dân khu vực biên giới (KVBG) khi XNC vùng biên giới; thực hiện có hiệu quả ứng dụng công nghệ cấp mã vạch hoặc mã số vào sổ thông hành cho người XNC để thực hiện đăng ký và quản lý thông tin người XNC nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục XNC cho hành khách.
Ba là , tăng cường đầu tư trang bị kỹ thuật (TBKT), ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu
Thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá thực lực TBKT hiện có và nhu cầu sử dụng TBKT của từng đơn vị BPCK báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Tăng cường đầu tư, bổ sung, trang cấp mới các TBKT được sản xuất theo công nghệ hiện đại; hoàn thiện các chức năng phần mềm quản lý XNC, máy đọc và kiểm tra thẻ từ… Việc trang cấp mới các TBKT phải đồng bộ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhiệm vụ tại cửa khẩu mới phát huy hết hiệu quả trong khai thác, sử dụng và phục vụ cho công tác chỉ huy, chỉ đạo triển khai thực hiện kiểm soát XNC ở cửa khẩu được chặt chẽ, nhanh chóng, rút ngắn thời gian làm thủ tục, song, vẫn bảo đảm tính nghiệp vụ cao. Việc đầu tư trang cấp phải bảo đảm toàn diện, tập trung có trọng điểm, ưu tiên cho các cửa khẩu có lưu lượng người, phương tiện XNC đông, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự.
Đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát XNC tại cửa khẩu. Nâng cấp xây dựng đường truyền dữ liệu quản lý, kiểm soát XNC và tra cứu đối tượng quản lý nghiệp vụ, HCGT không còn giá trị bằng hình ảnh nhằm tạo thuận lợi cho các đồn, trạm BPCK trong hoạt động thủ tục XNC. Đồng thời, phục vụ tốt công tác kiểm soát phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các loại đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho hành khách XNC, bảo đảm yêu cầu kiểm soát XNC ở cửa khẩu của ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc trong tình hình mới.
Đồn Biên phòng các tỉnh biên giới phía bắc cần đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực khai thác sử dụng TBKT, công nghệ cho CBNV cửa khẩu. Để có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng có hiệu quả, cần tổ chức đánh giá chính xác thực trạng trình độ năng lực, trách nhiệm và khả năng khai thác sử dụng TBKT của từng CBNV ở cửa khẩu nói chung, CBNV trực tiếp sử dụng TBKT trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu. Việc rà soát đánh giá phải được thực hiện thường xuyên hàng năm trên tất cả các cửa khẩu. Trên cơ sở kết quả rà soát đánh giá, phát hiện những hạn chế về nhận thức, trình độ năng lực, vai trò trách nhiệm của từng CBNV cửa khẩu, để kịp thời có biện pháp xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, huấn luyện cho phù hợp, nhằm nâng cao trình độ, khả năng khai thác sử dụng TBKT trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu cho CBNV cửa khẩu.
Việc tổ chức tập huấn phải được thực hiện thường xuyên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ trì như: Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng cửa khẩu, Trạm trưởng, Đội trưởng Đội Thủ tục. Để bảo đảm tổ chức tập huấn có chất lượng cao, đòi hỏi cơ quan tham mưu (Ban Cửa khẩu) phải làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Chỉ huy về chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo án huấn luyện và những văn bản chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh BĐBP và hướng dẫn sử dụng TBKT của nhà sản xuất. Trên cơ sở những nội dung được tập huấn tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các đơn vị BPCK tổ chức xây dựng kế hoạch huấn luyện cho CBNV trực tiếp làm nhiệm vụ tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc thường xuyên cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng, bảo quản TBKT nghiệp vụ cửa khẩu do Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức. Những kiến thức mà CBNV cửa khẩu đã tiếp thu được từ lớp tập huấn, tiến hành tổ chức giới thiệu, huấn luyện cho CBNV trong đơn vị nắm và vận dụng vào quá trình sử dụng TBKT trong kiểm soát XNC tại cửa khẩu. Cần có quy định tiêu chí cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ đối với CBNV thực hiện nhiệm vụ ở cửa khẩu nói chung, CBNV trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát XNC tại cửa khẩu nói riêng. Bởi vì, hệ thống TBKT hiện nay tại cửa khẩu chủ yếu là nhập từ nước ngoài, nên hướng dẫn sử dụng trên máy chủ yếu là bằng tiếng Anh. Có như vậy, mới thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các TBKT trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu của ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc.
Bốn là, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến kiểm soát XNC tại cửa khẩu của ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc
Để bảo đảm hoàn thiện và thống nhất các quy định trong các văn bản pháp luật, trước mắt ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc cần đề xuất cấp có thẩm quyền thống nhất phân loại cửa khẩu, phạm vi khu vực cửa khẩu cho phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật trong nước và Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới; tham mưu đề xuất ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thay Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 14/3/2007 và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2007/NĐ-CP làm cơ sở để thống nhất toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước về XNC.
Đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP cần sớm ban hành hướng dẫn mới thay thế Hướng dẫn số 448/BTLBP/BTM ngày 05/6/2006 của Bộ Tư lệnh BĐBP về Hướng dẫn thủ tục kiểm tra, giám sát Biên phòng tại cửa khẩu biên giới đất liền. Vì Hướng dẫn này có nhiều nội dung không còn phù hợp với một số văn bản pháp luật hiện hành và thực tế hoạt động thủ tục, kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu biên giới đất liền hiện nay. Do vậy, để bảo đảm thống nhất giữa văn bản pháp luật hiện hành với hướng dẫn của Bộ Tư lệnh BĐBP, ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc cần đề xuất Bộ Chỉ huy BĐBP, Cục Cửa khẩu tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Hướng dẫn mới sửa đổi, thay thế Hướng dẫn số 448/BTLBP/BTM ngày 05/6/2006 của Bộ Tư lệnh BĐBP nhằm tạo thuận lợi cho CBNV cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu.
Cải cách thủ tục hành chính trong kiểm soát XNC ở cửa khẩu của ĐBP các tỉnh biên giới phía bắc là yêu cầu mang tính cấp thiết, vừa là yếu tố rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong xu thế hội nhập. Đồng thời, là tiền đề quan trọng giúp cho việc nghiên cứu cải tiến quy trình thủ tục biên phòng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu quả kiểm soát từ xa, hoàn thiện thủ tục từ xa, hạn chế kiểm tra, kiểm soát nhiều lần đối với đối tượng lưu thông qua biên giới./.
Thiếu tá, Thạc sĩ Lê Hồng Thành
Tài liệu tham khảo :
1. Nghị quyết số 387-NQ/ĐU ngày 13/3/2022 của Đảng ủy BĐBP về lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu và xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
2. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Giảng viên Khoa CTĐ, CTCT/Học viện Biên phòng