Đây là 2 trong 5 kịch bản khiến Chính phủ Mỹ có thể mở cửa trở lại.
Hiện tại có 2 phương án để chấm dứt tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa. Phương án thứ nhất là cấp ngân sách hoạt động cho các cơ quan của chính phủ đến tháng 9/2019, bao gồm cả đề nghị cấp tiền xây bức tường biên giới của Tổng thống Trump cùng các đề nghị khác về chính sách nhập cư. Phương án thứ 2 là cấp ngân sách cho chính phủ đến ngày 8/2 để các bên tiếp tục có thêm thời gian tranh luận về đề nghị cấp tiền xây tường biên giới.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Thượng viện sẽ khó thông qua cả 2 phương án này vì cần phải có sự ủng hộ của ít nhất 60/100 thượng nghị sỹ. Đảng Cộng hòa dù nắm thế đa số tại Thượng viện, nhưng để thông qua được 1 trong 2 phương án, vẫn cần có sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Trong bối cảnh sự chia rẽ khá sâu sắc hiện nay khi đảng Dân chủ và Cộng hòa đổ lỗi cho nhau về tình trạng chính phủ đóng cửa, sẽ khó có kết quả khả quan.
Nếu cuộc bỏ phiếu ngày 24/1 tại Thượng viện thất bại, thì tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa bước sang ngày thứ 33, lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ và trước mắt sẽ không có giải pháp nào khả thi trên thực tế. Sự chia rẽ sâu sắc hiện nay dường như đang khiến cả 2 bên ngày càng trở nên cực đoan, không muốn nhượng bộ, và tình trạng đóng cửa có thể sẽ kéo dài lâu hơn nhiều.
Ngay cả các thành viên lạc quan nhất trong Quốc hội cũng phải thừa nhận rằng họ đã hết ý tưởng, cho dù là ý tưởng tốt hay thậm chí là những ý tưởng “tầm thường” về việc làm thế nào để chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa hiện nay.
Dưới đây là 5 kịch bản có thể chấm dứt tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa:
Các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa “nổi loạn”
Tới nay, các thành viên Cộng hòa có quan điểm ổn hòa ở Thượng viện như Lisa Murkowski của Alaska và Susan Collins của Maine đều không gây nhiều áp lực với Lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell hay Nhà Trắng. Đặc biệt, bà Murkowski dù chỉ trích tình trạng chính phủ đóng cửa một phần và Quốc hội không thể làm gì để giải quyết vấn đề này, nhưng bà không đe dọa sẽ đứng về phía đảng Dân chủ hay làm điều gì đó tương tự. Ngay cả nếu bà Murkowski bỏ phiếu ủng hộ đảng Dân chủ, thì đó cũng không phải là vấn đề lớn. Như đã nói ở trên, dù là phương án nào cũng vẫn phải có sự ủng hộ của 60/100 thượng nghị sỹ.
Tuy nhiên, một số Thượng nghị sỹ như Susan Collins của bang Maine hay Cory Gardner của bang Colorado, đều bày tỏ với ông McConnell rằng, tình trạng chính phủ đóng cửa ngày càng kéo dài đang đe dọa tiềm năng tái tranh cử của họ.
Lỗ hổng an ninh
Đây có vẻ như là kịch bản tồi tệ nhất. Nếu như hoạt động của Cơ quan an ninh vận tải Mỹ, Cơ quan mật vụ và các lực lượng bảo sự bảo vệ an ninh cho các sự kiện lớn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng đóng cửa của chính phủ, điều này có thể tạo lỗ hổng an ninh với nhiều mối đe dọa tiềm tàng. Nếu có tình huống thảm họa an ninh xảy ra ngay lúc này, chính phủ Mỹ có thể sẽ mở cửa trở lại ngay lập tức để tránh những hậu quả nguy hiểm.
“Khủng hoảng” của đảng Dân chủ
Đảng Dân chủ nắm thế đa số ở Hạ viện từ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2018. Tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới nay cũng luôn nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ cùng đảng trong vấn đề chính phủ đóng cửa và ngân sách xây bức tường biên giới. Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ của đảng này cũng đang lo ngại, tình trạng Chính phủ đóng cửa kéo dài càng lâu thì cơ hội tái tranh cử của họ vào năm 2020 sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận trên cả nước cho thấy đa số người Mỹ phản đối bức tường biên giới và đổ lỗi tình trạng chính phủ đóng cửa cho Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa, nhưng câu chuyện về lá phiếu sẽ chưa thể rõ ràng, đặc biệt là ở những khu vực sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Nếu Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới, chính phủ sẽ mở cửa trở lại trong khoảng vài ngày. Ông Trump có thể lấy 5 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới từ ngân sách quân đội đã được quốc hội phân bổ. Điều này có thể tạm thời gạt bỏ được rào chắn đang khiến chính phủ đóng cửa hơn 1 tháng qua.
Đầu tháng này, ông Trump bày tỏ đã sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thượng nghị sỹ Linsay Graham – một trong những đồng minh có tiếng nói nhất của ông Trump, cũng thúc giục ông làm điều này. Tuy nhiên, tới nay ông Trump vẫn chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong chuyến thăm khu vực biên giới McAllen, Texas, ông Trump nói rằng, “Giải pháp dễ dàng đối với tôi là tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng tôi sẽ không vội vàng làm điều đó”.
Tổng thống Trump chịu thua
Tổng thống Trump có thể sẽ nghiêng theo kịch bản này, đặc biệt là sau khi đã 2 lần miễn cưỡng đồng ý để chính phủ mở cửa trở lại trong năm 2018, bất chấp việc sẽ không nhận được ngân sách xây bức tường biên giới như ông mong muốn. Tuy nhiên, lâu nay, ai cũng biết rằng, Tổng thống Trump là người vô cùng khó đoán.
Ông Trump tất nhiên là biết các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho rằng ông đang “thua” trong “cuộc chiến đóng cửa” này, và ông Trump thì không thích mình thua. Câu hỏi đặt ra là con số [tiền xây bức tường biên giới-ND] của ông sẽ xuống thấp tới mức nào trước khi ông đưa ra quyết định cuối cùng.
Những tranh cãi về tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa dường như đang trở thành “khẩu chiến” cá nhân sâu sắc khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi không ngừng chỉ trích lẫn nhau cả công khai lẫn trên Twitter. Mức độ “thù ghét cá nhân” giữa ông và bà Pelosi sẽ không cho phép ông chịu thua hay nhượng bộ./.
Thùy Linh/VOV