Đồng chí Đào Duy Tùng với công tác báo chí của Đảng

Thứ năm, 20/06/2024 - 08:32

Nhận xét về đồng chí Đào Duy Tùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có hơn 30 năm làm công tác tư tưởng lý luận.  Đây là lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp, nhưng chính ở lĩnh vực này đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn lao và để lại những ấn tượng rất tốt đẹp và sâu sắc...”. Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024) và tròn 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924-20/5/2024), Báo Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết về đồng chí Đào Duy Tùng – một nhà báo lớn và đồng thời là nhà lãnh đạo công tác báo.

Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo công tác báo chí của Đảng

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Tổng Biên tập Tạp chí Học tập Đào Duy Tùng cùng với cán bộ, biên tập viên của Tạp chí Học tập, năm 1962

Là người lãnh đạo công tác tuyên giáo, tư tưởng, lý luận, báo chí, tuyên truyền của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng chỉ rõ, báo chí Việt Nam có vinh dự lớn được lấy ngày 21/6 - ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh niên khởi đầu cho lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam - làm ngày truyền thống vẻ vang của mình. Theo đồng chí, Báo Thanh niên ra đời là sự chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một đảng cách mạng chân chính có khả năng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Vì lẽ đó, chúng ta có quyền tự hào nói rằng, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam gắn bó chặt chẽ với sự ra đời và trưởng thành của Đảng ta, với sự phát triển không ngừng của cách mạng nước ta. Đảng và Nhà nước ta luôn coi báo chí là một binh chủng rất quan trọng, không thể thiếu được của cách mạng, và bất kỳ trong giai đoạn nào, báo chí cũng thể hiện rõ vai trò xung kích của mình trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Với tư cách là nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng chí nêu rõ, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Báo chí cần phản ánh sinh động hơn nữa các phong trào cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân ta hướng tới mục tiêu thiêng liêng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những nội dung quan trọng của báo chí là cổ vũ phong trào toàn dân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; phát hiện và biểu dương kịp thời những sáng kiến hay, những việc làm tốt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và bồi dưỡng con người Việt Nam cả về trí lực và thể lực, về phẩm chất và trí tuệ.

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí đề nghị báo chí tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần cụ thể hóa, bổ sung, phát triển con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Đi đôi với việc biểu dương cái hay, cái tốt, báo chí coi trọng việc phê phán cái ác, cái xấu, các tệ tham nhũng, quan liêu; phê phán những kẻ gieo rắc luận điểm hoài nghi, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước... nhằm thực hiện những mưu đồ không tốt đẹp. Báo chí không chỉ phản ánh hiện thực xã hội, mà còn có trách nhiệm định hướng đúng đắn dư luận xã hội trước mỗi sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế.

Cùng với việc đòi hỏi báo chí phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm xã hội của mình, đồng chí Đào Duy Tùng cũng yêu cầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp thấy rõ trách nhiệm của mình đối với báo chí, tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng bàn bạc nhằm kịp thời bổ sung và hoàn thiện các chính sách về thông tin cũng như các chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với các nhà báo, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí và các nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa[1].

Là người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận của Đảng trong thời kỳ đưa đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, bên cạnh những vấn đề căn bản về đường lối đổi mới, phát triển đất nước, có một vấn đề mà đồng chí Đào Duy Tùng đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết - đó là đổi mới tư duy. Theo đồng chí, đổi mới tư duy là một vấn đề mang tính sống còn. Bây giờ nhìn lại ta có thể khẳng định vào thời điểm ấy, nếu không đổi mới tư duy thì không thể có tư duy mới để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Để đổi mới tư duy, đồng chí đặc biệt quan tâm tới vấn đề thông tin. Đồng chí chỉ rõ, đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng để đổi mới tư duy bởi vì, có được thông tin đúng thì mới có suy nghĩ đúng. Không được nhận thông tin thì không có gì để suy nghĩ cả. Nhận thông tin sai lệch thì tư duy không đúng được. Công khai, dân chủ trong thông tin là điều kiện phát triển tư duy khoa học, chống lại tình trạng "cửa quyền" trong tư duy, kịp thời phát hiện tình trạng trì trệ hoặc "hư hỏng" trong tư duy[2]. Thông tin rõ ràng, đó là lĩnh vực mà báo chí, truyền thông phát huy được lợi thế và sức mạnh của mình.

Đánh giá cao vai trò của công tác thông tin trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, với một tư duy mới và sắc sảo, đồng chí Đào Duy Tùng chỉ đạo quyết liệt công tác cải tiến công tác thông tin, báo chí, truyền thông của Đảng. Vào thời điểm bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, theo đồng chí, để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng đang đặt ra, công tác thông tin cần được tiến hành cải tiến theo các hướng: một là, đa dạng hóa thông tin và tăng lượng tin hữu ích; hai là, mở rộng tính công khai trong hoạt động thông tin; ba là, thông tin phải chân thực, góp phần xây dựng tư duy mới, khắc phục tư duy lạc hậu; bốn là, đưa được tiếng nói của nhân dân tới những cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp; năm là, nâng cao tính phê bình, tự phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu nhân tố tích cực và cả nhân tố tiêu cực; sáu là, thông tin đến được đúng đối tượng, đến tận những người lao động.

Bằng tư duy mới, suy nghĩ hiện đại và tầm nhìn bao quát của mình, đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần để công tác tư tưởng, lý luận, báo chí của Đảng tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong thời kỳ đổi mới.

Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà báo lớn của Đảng 

Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng dự Lễ kỷ niệm 25 năm Truyền hình Việt Nam (1970-1995)

Không chỉ là người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, truyền thông của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng còn là một nhà báo cách mạng lớn của Đảng, thể hiện ở hai khía cạnh: Người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí và người viết báo.

Đồng chí Hà Đăng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhận xét về nhà báo, nhà lý luận Đào Duy Tùng: "Anh đi vào công tác báo chí rất sâu. Tác phẩm báo chí của anh chủ yếu là những bài chính luận, có ký tên hoặc không ký tên. Nét nổi bật là những bài báo ấy đều chứa đựng một nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong sáng sủa, rõ ràng. Anh ghét lối viết khoa trương, hào nhoáng mà không có nội dung thiết thực"[3].

Viết báo đối với đồng chí Đào Duy Tùng chính là sự thể hiện những tư tưởng lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng đến mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân, vì vậy bài báo cần phải được viết một cách chân thực, khách quan, khoa học, sáng rõ và dễ hiểu. Viết báo là thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền, công tác tuyên giáo của Đảng. Bản thân đồng chí cũng nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc viết báo mà mình đề ra. Với hàng nghìn bài viết, bài nói, đồng chí Đào Duy Tùng thực sự là một nhà báo lớn của Đảng. Tác phẩm báo chí của đồng chí không chỉ mang sức nặng tư tưởng lý luận mà có phong cách đặc sắc, riêng biệt.

Với tư cách người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí, đồng chí Đào Duy Tùng có 17 năm (1965-1982) trực tiếp làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần quyết định đưa tạp chí lý luận của Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện.

Trước hết, đó là công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm tạp chí lý luận, đồng chí đòi hỏi: Cán bộ biên tập tạp chí lý luận và chính trị của Đảng không thể chỉ nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn phải biết vận dụng các nguyên lý đó; không những nắm vững đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của đường lối, chính sách, quan điểm. Có thế, khi viết hoặc biên tập bài mới có sự sáng tạo, tránh được lối viết sách vở làm cho người đọc nhàm chán. Kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tế; ủng hộ cái mới; ủng hộ lớp cán bộ trẻ năng động, sáng tạo[4].

Là Tổng Biên tập tạp chí lý luận của Đảng, đồng chí chỉ rõ những đòi hỏi đặc trưng với những nhà báo làm việc trong tòa soạn tạp chí lý luận. Theo đồng chí, đội ngũ cán bộ biên tập viên, phóng viên phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận Mác-Lênin, thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mặt khác, phải gắn bó mật thiết với thực tiễn, đi sâu đi sát xuống địa phương, lăn lộn cùng cơ sở, nắm vững thực tế đời sống cách mạng; đồng thời, phải năng động, sáng tạo trong làm báo. Chính bằng quan điểm của mình khi lãnh đạo tạp chí lý luận của Đảng thời kỳ 1967-1982, đồng chí Đào Duy Tùng đã xây dựng nên đội ngũ nhà báo lý luận chính trị không chỉ nắm vững về lý luận, kiên định lập trường, khách quan, khoa học, gắn bó mật thiết với thực tiễn mà còn năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực góp phần thực hiện công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.

Thời kỳ đồng chí Đào Duy Tùng làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập cũng là thời kỳ tờ tạp chí lý luận và chính trị của Đảng ta có những thay đổi khá toàn diện về nội dung và hình thức. Thứ nhất, là một nhà lý luận đồng chí thúc đẩy nâng cao chất lượng tư tưởng, lý luận trong các bài viết nhằm đưa Tạp chí Học tập thực sự trở thành ngọn cờ lý luận và chính trị tiên phong của Đảng; thứ hai, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận, góp phần bổ sung lý luận của Đảng; thứ ba, tham gia thảo luận, trao đổi lý luận, khái quát lý luận trực tiếp góp phần xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng; thứ tư, gắn liền công tác của tạp chí với thực tiễn đời sống, kịp thời phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, cái tốt, kiên quyết phê phán những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cái xấu; thứ năm, trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc do thực tiễn ở cơ sở đặt ra; thứ sáu, chủ động tích cực góp phần định hướng dư luận xã hội theo đúng quan điểm của Đảng trước các sự kiện, hiện tượng trong nước và quốc tế...

Thời kỳ này, Tạp chí Học tập xuất hiện nhiều chuyên mục mới, nhiều bài viết sâu sắc về lý luận, mang hơi thở nóng hổi của đời sống, thu hút được đông đảo cán bộ nhân dân tìm đọc, thấm nhuần, noi theo. Những bài viết mang tính thời sự về lợi ích kinh tế, về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở Vĩnh Phú, Hải Hưng, về năng suất lúa ở Thái Bình, về đánh giá mô hình kém hiệu quả ở Quỳnh Lưu, về những sai lầm hữu khuynh ở Lạng Sơn... nổi tiếng ngày đó thực sự góp phần trực tiếp trả lời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Những bài báo này kịp thời phát hiện, cổ vũ, bảo vệ cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời nhận diện và kiên quyết góp ý, phê phán cái xấu, cái tiêu cực, hạn chế[5]./.

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924, tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Đồng chí giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng tại địa phương năm 1945.

Từ tháng 6/1946 đến 12/1952, đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, Bí thư Huyện ủy Kim Anh, Tỉnh ủy viên, phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Phúc Yên, Phó Ban huy động dân công phục vụ chiến dịch giải phóng biên giới, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trường Lý luận Mác-Lênin tại Trung Quốc, từ tháng 5/1955 đến 12/1986, đồng chí Đào Duy Tùng làm công tác tư tưởng lý luận tại các cơ quan Trung ương với các cương vị: Vụ phó, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1955-1962); Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ̣(1962); Phó Trưởng Ban, Tổng biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản (1965-1980); Thường trực Ban nghiên cứu lý luận Trung ương (1965 - 1980); Viện trưởng Viện Mác-Lênin (1980-1982); Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương (1982-1986).

Từ 1986-1998, đồng chí giữ các cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, khoa giáo (1986-1991), Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư (1991-1996).

 

[1] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Sđd, t.II, tr. 566-572.

[2] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Sđd, t.II, tr. 312.

[3] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Sđd, t.II, tr.630

[4] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Sđd, t.II, tr. 630-631.

[5] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Sđd, t.II, tr. 630-635, 590-595.

[6] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Sđd, t.II, tr. 630-635, 590-595.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Theo Chinhphu