Ngày 12/7, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, về mức gần bằng đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng có nguy cơ kéo dài và đe dọa làm trầm trọng hơn tình trạng suy thoái kinh tế tại châu Âu.
Đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống mức 1 euro bằng khoảng 1,007 USD, một sự sụt giảm nhanh chóng từ mức 1,15 USD vào thời điểm trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lần gần nhất đồng euro giảm gần mức tương đương với đồng USD là vào cuối năm 2002.
Đồng tiền chung châu Âu hôm 12/7 lần đầu tiên trong 20 năm có giá tương đương USD. Ảnh: DW
Vì sao đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm?
Đồng euro giảm giá mạnh diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua, hệ quả của chiến sự Nga – Ukraine.
Các nhà đầu tư đã bày tỏ sự lo lắng trước việc các nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức và Italy phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Một số nhà kinh tế dự báo châu Âu có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Theo DW, một yếu tố đẩy đồng euro xuống gần ngang giá với đồng USD là sự khác biệt về mức lãi suất ở Mỹ và châu Âu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất mạnh để giảm lạm phát, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn ngăn các đợt tăng lãi suất mạnh.
Điều này làm cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu của châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển sang đồng USD và rời bỏ đồng euro.
“Lãi suất ở Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 3% so với 1% ở châu Âu. Bởi vậy, tiền sẽ đến nơi có lãi suất cao hơn”, Carsten Brzeski, chuyên gia tại ngân hàng ING, nói.
Đồng USD vẫn là “hầm trú ẩn” an toàn cho nhà đầu tư trên thế giới. Trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu mang gam màu ảm đạm và không có sự chắc chắn, các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái với sự an toàn tương tối mà đồng USD mang lại.
“Gần đây, chúng tôi bắt đầu thấy các nhà đầu tư đặt cược vào việc đồng euro giảm xuống dưới mức tương đương đồng USD. Nhưng cũng có thể nhiều nhà đầu tư sẽ bắt đầu mua đồng euro khi tiến gần hơn đến mức đó”, Viraj Patel, nhà chiến lược ngoại hối tại Vanda Research, cho biết.
Đồng euro lao dốc tác động đến người tiêu dùng như thế nào?
Đồng euro sụt giảm sẽ tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu vốn đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục. Đồng euro sụt giá sẽ khiến cho hàng nhập khẩu, chủ yếu bằng USD, trở nên đắt hơn. Trong trường hợp những mặt hàng đó là nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian, chi phí cao hơn của chúng sẽ làm tăng giá nội địa.
Trong thời điểm bình thường, đồng tiền giảm giá được coi là tin tốt đối với các nhà sản xuất và các nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu như Đức, bởi điều này thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho hàng hóa rẻ hơn tính theo đồng USD. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm bình thường do các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine và ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Moscow.
Theo AFP, tác động của việc đồng euro yếu đi còn tùy từng doanh nghiệp, theo mức độ phụ thuộc vào ngoại thương và năng lượng.
“Các công ty xuất khẩu ra ngoài khu vực đồng euro sẽ hưởng lợi khi giá giảm, do sản phẩm của họ cạnh tranh hơn khi đổi sang USD. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp bất lợi”, Philippe Mutricy, Giám đốc Nghiên cứu tại Ngân hàng Bpifrance, cho biết.
“Trong tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay, tôi nghĩ rằng lợi ích từ việc một đồng tiền rớt giá sẽ ít hơn so với những bất lợi”, chuyên gia Brzeski nói.
Mặc dù vậy, đối với những du khách Mỹ đến thăm châu Âu vào mùa hè này, đồng euro giảm là một điều may mắn. Chẳng hạn, về lý thuyết, họ có thể đổi 1.000 USD lấy 1.000 euro thay vì chưa tới 900 euro vào hồi tháng 2. Nói cách khác, đồng USD của Mỹ sẽ đáng giá hơn rất nhiều.
Đáy của đồng euro ở đâu?
Việc đặt cược rằng đồng euro sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức ngang bằng đồng USD đã tăng lên trong những ngày gần đây khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn.
“Đồng euro đang giao dịch như thể một cuộc khủng hoảng ở châu Âu đang cận kề. Bởi vậy, những tin tức xấu về nguồn cung khí đốt và địa chính trị có khả năng khiến đồng euro suy giảm dưới mức ngang bằng đồng USD”, nhà phân tích Patel nói.
Các chuyên gia của công ty Nomura International dự báo rằng đồng euro có thể giảm xuống mức thấp nhất là 1 euro bằng 0,95 USD. George Saravelos, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche Bank, cũng có dự đoán tương tự.
Thậm chí, theo ông Saravelos, đồng euro có thể xuống thấp hơn ở mức 1 euro bằng 0,95-0,97 USD, là mức đáy mọi thời đại kể từ khi hệ thống Bretton Woods, hệ thống liên kết giá trị của nhiều loại tiền tệ với đồng USD, đổ vỡ năm 1971.
Thách thức của ECB
Đồng euro giảm giá mạnh hướng đến ngưỡng ngang giá với đồng USD đã đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó. Việc đồng euro xuống giá cho thấy phản ứng chậm trễ của ECB trong cuộc chiến chống lạm phát.
Nâng giá trị đồng euro lên từ mức thấp kỷ lục đòi hỏi lãi suất phải tăng nhanh hơn, với những tác động lớn hơn đến nền kinh tế vốn đã đối mặt với nguy cơ suy thoái.
ECB dự định tăng lãi suất cơ bản lên 25 điểm phần trăm vào tuần tới, lần tăng đầu tiên trong hơn 10 năm.
“Đồng euro giảm đã ủng hộ quan điểm về việc tăng lãi suất mạnh mẽ hơn. Nếu chúng tôi tăng 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản vào tuần tới thay vì 25 điểm phần trăm, điều đó có thể ngay lập tức ngăn chặn đà giảm của đồng euro vì nó sẽ gây bất ngờ cho thị trường tài chính”, ông Brzeski nhận định./.
Mai Trang/VOV.VNTheo DW