Dòng họ, họ giáo tự phòng, tự quản ở miền quê bình yên vùng ven đô

Thứ ba, 11/08/2015 - 14:55

TNV - Nhiều năm trở lại đây, xã Đại Thắng nổi lên là miền quê bình yên nhất của huyện Phú Xuyên – huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội, nhộn nhịp với hàng chục làng nghề và đang ngày càng sôi động bởi tốc độ đô thị hóa và các sản xuất công nghiệp. Công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội đã trở thành “thương hiệu”, thành điển hình để các địa phương khác  trong huyện về thăm quan, học tập.

Thành lập 173 mô hình “Dòng họ, họ giáo tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”

Xã Đại Thắng có 04 thôn trong đó có 01 thôn An Mỹ theo đạo Thiên Chúa toàn tòng với 694hộ, 2706 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 40% dân số trong toàn xã. Ngoài sản xuất nông nghiệp, bà con trong xã còn có một số nghề phụ đang hoạt động khá phát triển như may màn gia công, xưởng cơ khí, dệt lưới chã, đục trạm gỗ, khảm trai…Là xã có đa nghề tiểu thủ công nghiệp, 2/4 thôn được công nhận làng nghề với 90 cơ sở, 05 doanh nghiệp đóng trên địa bàn thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài xã đến học nghề và làm nghề nên việc quản lý nhân hộ khẩu tạm vắng, tạm trú, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận thấy công an xã chính là lực lượng chủ lực, trực tiếp và thường xuyên trong việc tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở bà con giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án 16 (ngày 22/7/2013) nhằm kiện toàn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an xã các địa phương vùng ven đô. Theo đó đến nay, Công an huyện Phú Xuyên đã tổ chức 02 lớp tập huấn cho 430 công an viên xã, thi kiến thức nghiệp vụ công an cho 28 xã, thị trấn, tham mưu các địa phương bổ nhiệm 06 trưởng công an xã, luân chuyển 03 trưởng, phó công an xã…Nhờ đó công an huyện đã phát hiện bắt giữ gần 10 vụ trộm cắp và sử dụng ma túy, 04 vụ khai thác cát trái phép, đảm bảo tốt an ninh trật tự, tạo thuận lợi cho đại hội đảng cấp xã và huyện thành công.

Trước đây, nhất là vào những năm 1999 – 2003, xã Đại Thắng cũng là địa phương mất ổn định an ninh trật tự, với các nhức nhối về tệ nạn lô đề cờ bạc, trộm cắp, gây rối công cộng…Sau khi công an xã được kiện toàn, đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã mở các hội nghị gặp gỡ các cụ cao tuổi, các trưởng thôn, các gia đình thương binh liệt sỹ…đẩy mạnh tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức tới đông đảo rộng rãi các tầng lớp nhân dân cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, chấp hành pháp luật của nhà nước, nội qui hương ước của địa phương. Công an xã tăng cường tuần tra, kiểm tra nhất là ở các địa bàn trọng điểm như giáp ranh xã Văn Tự (huyện Thường Tín – nơi có nhiều tụ điểm tệ nạn khác huyện), đường giao thông liên xã nối từ Quốc lộ 1A chạy vào các xã Văn Hương, Tân Dân ngăn ngừa các loại tội phạm, tệ nạn xã hội có thể xâm nhập vào địa bàn xã.

Thực hiện Đề án 16, công an xã Đại Thắng qua nghiên cứu khảo sát phong tục tập quán và tâm tư nguyện vọng nhân dân đã tham mưu cho UBND xã thành lập mô hình “Dòng họ, họ giáo tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”. Qua làm thí điểm 21 dòng họ ở thôn Tạ Xá, thấy cho kết quả tích cực, từ năm 2011 đến năm 2014 mô hình được nhân rộng trong toàn xã. Đến nay xã Đại Thắng đã cho ra mắt 173 dòng họ, họ giáo tự phòng, tự quản về an ninh trật tự, trong đó có 62 họ giáo của thôn An Mỹ.

Xích mích được hòa giải, làng quê trở nên bình yên

Từ đây nhận thức của bà con nhân dân, giáo dân trong xã ngày càng được nâng cao, các phong tục, tập quán tốt đẹp đã được phát huy ngay từ trong các gia đình, dòng họ, họ giáo; như “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “kính Chúa yêu nước”, “sống tốt đời đẹp đạo”,.. Mọi xích mích trong gia đình, dòng họ, bà con láng giềng đều được giáo dục hoà giải với phương châm “ to làm cho nhỏ, nhỏ làm cho mất”, “trong nhà đóng cửa bảo nhau”, làm cho mỗi gia đình đều không có người vi phạm phát luật.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình dòng họ đều dành nhiều thời gian hơn để giáo dục con cháu tôn trọng kỷ cương phép nước, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, đoàn kết trong xóm làng, dòng tộc, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn, giúp đỡ người lầm lỗi, cùng nhau gìn giữ an ninh trật tự của dòng họ, xóm làng, quê hương…

Qua thực tế thực hiện mô hình “Dòng họ, họ giáo tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” từ khi ra mắt tới nay, các dòng họ trong xã đã chủ động hòa giải được 36 vụ việc xích mích có nguy cơ gây ra khiếu kiện, căng thẳng; hàn gắn tình đoàn kết gần gũi xóm làng, cảm thông cho nhau giữa các dòng họ và gia đình. Điển hình như mâu thuẫn mất đoàn kết kéo dài của 02 gia đình ở thôn Phú Đôi và Văn Hội, nhờ có ông trưởng họ Trần và một số ông bà có uy tín trong dòng họ tổ chức hòa giải mà hai gia đình đã bắt tay nhau hòa thuận trở lại.

Nhiều cán bộ xã và thôn là giáo dân đã khéo léo đưa việc của thôn của xã tranh thủ sự đồng thuận của linh mục xứ đạo thôn An Mỹ. Do vậy, trong các buổi linh mục làm lễ và giảng đạo, linh mục đã khuyên dạy giáo dân chấp hành pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, sống đoàn kết bác ái, biết xa lánh điều dữ, làm điều thiện, tránh điều ác, vừa kính Chúa vừa yêu nước…

Ông Tuấn (Phó Trưởng công an xã) nhớ lại, vào dịp tháng 6/2013 khi ấy ông còn đang kiêm chức trưởng thôn An Mỹ, nhân ngày lễ kỷ niệm đặt tên thánh của cha xứ, trong lúc tâm giao ông đã đưa việc quy hoạch tu sửa nghĩa trang của thôn cho khỏi lầy lội và theo hàng lối ra nói chuyện với cha xứ, nhưng còn đang băn khoăn bởi có gần chục ngôi mộ xây lấn ra cả phần đường đã quy hoạch?!. Được cha xứ ủng hộ khuyên nhủ, các giáo dân đã tự nguyện di rời mồ mả, nhường đất làm 04 tuyến đường bê tông đi vào các khu nghĩa trang được rộng rãi, khang trang sạch sẽ. Việc quy hoạch nghĩa trang đã hoàn tất và diễn ra suôn sẻ hơn dự kiến. Hơn một năm trước, gia đình ông Vũ Văn Khoát và ông Ngô Văn Trần có lời to tiếng lại bởi việc xây tường rào mốc giới, cán bộ thôn và trưởng hai họ giáo đã phân tích điều hơn lẽ thiệt, hai gia đình đều hài lòng và nhận ra khuyết điểm của mình, cùng thống nhất được cách giải quyết, tường rào mốc giới đã được xây cất hoàn thành.

Câu chuyện được cho là gay cấn nhất là vụ việc xảy ra giữa gia đình ông Nguyễn Văn Hóa và gia đình ông Vũ Văn Hoạt (thôn An Mỹ). Con trai hai ông đều là những thanh niên mới lớn, đi chơi tối do va chạm đã nổi nóng đánh nhau. Thấy vậy ngay trong đêm đó, ông Hoạt đã cùng con trai đến nhà ông Hóa để nói chuyện cho ra lẽ. Ông Hóa mời ông Hoạt vào nhà, chưa kịp nóng chỗ ông Hoạt vội cầm chiếc điếu cày để gầm bàn để hút, ông Hóa tưởng bố con ông Hoạt đánh mình, bèn tiện tay đang cầm phích nước pha chè dội luôn vào người ông Hoạt. Thấy vậy hai bố con ông Hoạt xông vào ẩu đả hai bố con ông ông Hóa. Sự việc dừng lại khi chính quyền thôn và bà con đến can ngăn. Ông Hoạt được đưa đi viện, nhưng căng thẳng giữa hai gia đình ngày càng lên cao, ông Hoạt đã làm đơn tố cáo gửi tới chính quyền xã. Công an xã, họ giáo hai gia đình đã kiên trì vận động khuyên giải, cả hai gia đình đã nhận cái nông nổi, cái sai trái của mình. Sau nửa tháng trời, gia đình ông Hóa đã sang nhà ông Hoạt xin lỗi và gia đình ông Hoạt đã rút lại đơn kiện. Căng thẳng hai gia đình đã được hóa giải, đến nay hai bên gia đình vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi động viên nhau, bởi chuyện cũ xảy ra là do hiểu lầm chứ cả hai đều không có gì ác ý.

Ở xã Đại Thắng vào các dịp lễ, tết hàng năm, đại diện chính quyền địa phương, công an xã đều đến thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, các cụ trên 80 tuổi, các hộ nghèo cũng như duy trì thường xuyên việc nắm bắt thông tin trong các dòng họ, họ giáo với chính quyền địa phương và công an xã. Các kiến thức về công tác đảm bảo an ninh được bồi dưỡng thường xuyên cho các tiểu ban thực hiện mô hình, các công an viên và các dòng họ, họ giáo trong xã. Đồng thời các dòng họ, họ giáo vào các ngày giỗ họ hàng năm đều tổ chức họp mặt đông đủ con cháu, động viên con cháu giữ gìn đoàn kết gia phong dòng tộc, chấp hành pháp luật nhà nước, quy định của địa phương, cùng nhau bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng quê hương xóm làng.

Do vậy, trong 05 năm qua từ khi mô hình “Dòng họ, họ giáo tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” của địa phương được thành lập, các vụ việc mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương đã giảm rõ rệt, một số vụ việc xích mích nhỏ đều được các dòng họ, họ giáo chủ động phân tích hòa giải kịp thời dứt điểm, không để phát sinh thành vấn đề phức tạp. Nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong xã ổn định, được giữ vững, nhân dân yên tâm sản xuất làm ăn và nâng cao đời sống. Nhờ đó, xã Đại Thắng được chọn là một trong 11 xã điểm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội, là xã hai lần được Bộ Công an trao tặng cờ thi đua dẫn đầu phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (năm 2013 và 2014), trở thành miền quê bình yên vùng ven đô./.

Bà con giáo dân thôn An Mỹ tự nguyện đến tu sửa Danh bia tưởng niệm liệt sỹ
, nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh, liệt sỹ.

Trưởng công an xã Đại Thắng – Nông Quốc Tuyên – bên những bằng khen, giấy khen của Công an xã.

Ông Vũ Văn Hoạt (người cầm điếu cày) vui vẻ kể lại chuyện cũ với niềm cảm kích công an xã
và họ giáo đã động viên, hòa giải, giúp cho hai gia đình giữ được tình làng nghĩa xóm.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh