- Nhận kết quả dương tính với nCoV hôm 10/10, sức khỏe chị hiện thế nào?
- Sức khỏe tôi giờ ổn định nhưng cơ thể dễ mệt mỏi hơn trước. Theo quy định ở Pháp, tôi có thể ra ngoài sau một tuần, không cần xét nghiệm lại. Tôi vẫn hạn chế di chuyển để giữ an toàn. Từng có nhiều ca tái dương tính với nCoV, lần hai nghiêm trọng hơn lần một, một số người thì quá yếu nên không có kháng thể.
Khi mới nhiễm virus, tôi bị sốt cao nhưng chủ quan cho rằng mắc cảm lạnh thông thường. Mấy ngày không khỏi, tôi đi khám bác sĩ và nhận kết quả dương tính. Tôi thấy mình "điếc không sợ súng" nhưng may mắn vì khi phát hiện bệnh, tôi đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất rồi. Bệnh viện chỉ nhận những trường hợp nguy kịch nên tôi theo dõi sức khỏe tại nhà. Vài ngày sau, cơ thể tôi rất đỏng đảnh, lúc nhiệt độ lên rất cao, lúc lại hạ xuống thấp, cả người run lên. Mỗi lần như vậy, tôi cố gắng giữ tỉnh táo để pha một ly trà gừng mật ong - thuốc trị bệnh chính của tôi. Ngoài ra, tôi uống thật nhiều nước, súc miệng nước muối, xông hơi, ăn cháo để cơ thể dễ chịu hơn.
Ca khúc "Paris Paradis Blue" do Đồng Lan sáng tác, thể hiện. Video: Youtube Đồng Lan.
- Thời gian trị bệnh, chị suy nghĩ điều gì?
- Ở xa nhà, tôi không tránh khỏi cảm giác tủi thân khi ốm đau. Tuy nhiên, tôi không để mình mất tinh thần lâu. Tôi trò chuyện facetime với mẹ, gia đình, bạn bè để khuây khỏa. Mỗi lần nhìn mẹ cười qua màn hình điện thoại, tôi cảm thấy mình như được tiếp thêm 200% sức mạnh. Tôi lì lợm, luôn lẩm bẩm trong đầu rằng "Mình sẽ chóng khỏi thôi". Nhờ thế, tôi hồi phục nhanh.
Để giết thời gian, tôi nghe nhạc, sáng tác, tập yoga và thiền. Những hoạt động này giúp tâm hồn thư thái, chiêm nghiệm được nhiều điều. Hồi tháng 4, khi nước Pháp bị giới nghiêm, danh ca Christophe qua đời, tôi sáng tác bài Paris Paradis blue (Paris thiên đường màu xanh), mượn giai điệu bài Les Mots Bleus của ông. Nhạc phẩm bắt đầu bằng cụm từ "cokirokinaki" - biến thể từ chữ "corona" - lặp đi lặp lại như một lời cầu kinh, lồng với tiếng tim đập và sau đó ngừng đập. Cuối bài hát, tiếng kinh hòa với tiếng chuông nguyện đưa các linh hồn lên thiên đường. Thời gian này, tôi nghe đi nghe lại ca khúc ấy, đồng thời tìm ý tưởng viết một số bài hát mới, nói về niềm tin của con người thời kỳ dịch bệnh.
Đồng Lan chụp ảnh ở núi đá Montagne Sainte-Victoire trước khi mắc Covid-19. Cô sang Paris (Pháp) học ở trường American School of Modern Music từ năm ngoái. Khi còn ở Việt Nam, Đồng Lan từng đoạt giải nhất cuộc thi hát tiếng Pháp miền Bắc năm 2008. Năm 2012, cô tham gia chương trình Giọng hát Việt và được chú ý khi thể hiện các ca khúc tiếng Pháp. Ảnh: Jullien.
- Cuộc sống, việc học tập của chị ảnh hưởng thế nào từ khi dịch bùng phát?
- Khi mới sang học năm ngoái, tôi tranh thủ đi nhiều nơi, gặp gỡ bạn bè để có cảm hứng sáng tác. Đầu năm nay, dịch bùng phát, mọi công dân phải tuân thủ lệnh giới nghiêm. Ban đầu, khi ở lì trong nhà, tôi cảm thấy mất cân bằng, chán nản. Việc học nhạc dưới hình thức trực tuyến không thể hiệu quả như trước. Các show diễn lớn, nhỏ đều bị hủy, tôi không còn nguồn thu nhập nào. Nhiều lúc, tôi hoang mang, mất phương hướng. Tuy nhiên, tôi không muốn bỏ cuộc vì đã ấp ủ ước mơ học jazz ở Pháp từ lâu. Để trang trải cuộc sống, tôi dùng tiền tiết kiệm và vay mượn thêm bạn bè. Sau một thời gian, tôi học cách làm quen với "khu cách ly" tại gia, cân bằng cảm xúc nhờ âm nhạc.
Tôi học được nhiều điều từ tinh thần lạc quan của người Pháp. Một bạn học của tôi kể cô ấy tô son đỏ trước khi đeo khẩu trang đến lớp. Về đến nhà, cô ấy cười hả hê vì thấy son lem hết mặt, nhìn giống như chú hề. Trên ban công các căn hộ, các bạn trẻ nhảy múa, hò hát đến đêm, trao nhau những nụ cười ngọt ngào. Tất cả khiến tôi thấy như thể Covid-19 chưa từng đến thành phố này.
Đồng Lan đón bình minh trên thành cầu Bir Hakeim bắc qua dòng sông Seine. Cô thường ngắm cảnh ở Pháp để có cảm hứng hát jazz. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
- Sống ở đất nước đến nay có hơn 33.000 ca tử vong vì Covid-19, chị lo lắng điều gì?
- Một phần trong số những người đã mất là người thân của tôi. Tôi thấy hụt hẫng mỗi khi biết tin một người bạn qua đời. Hình ảnh họ một thời gian ngắn trước vẫn trò chuyện, nói cười ám ảnh tâm trí tôi. Nhiều lúc, tôi buồn ngẩn ngơ, đứng bất động ở ban công, nhìn lên bầu trời và hát vu vơ. Lúc khác, tôi ngồi cuộn tròn bên chậu cây ở góc nhà, khóc và tự hỏi những câu vô nghĩa: "Liệu người ta có thể khóc cho tới lúc cơ thể biến thành thực vật không? Thực vật liệu có bớt đau buồn hơn loài người không?".
- Chị có dự định gì khi diễn biến dịch bệnh ở châu Âu còn phức tạp?
- Tôi thích nghi với hoàn cảnh như mọi người ở nơi đây. Các địa điểm công cộng đã mở cửa trở lại. Mọi người đều đeo khẩu trang, nếu không sẽ bị phạt khoảng 135 Euro (khoảng 3,7 triệu đồng). Mục đích tôi đến Pháp là học nhạc, tôi sẽ không bỏ cuộc khi chưa hoàn thành. Ở trường, tôi bắt nhịp tốt, đã hoàn thành môn thanh nhạc. Năm nay, tôi tập trung học guitar. Tôi ấp ủ dự án jazz kết hợp âm nhạc truyền thống Việt mang tên Quá khứ - tương lai và Lan. Nhưng vì tài chính thâm hụt, việc ra sản phẩm mới bị của tôi bị trễ lại một nhịp.
Theo vnexpress