Những khó khăn tiếp diễn
Nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng (VLXD), ngành VLXD liên quan mật thiết đến các ngành còn lại và nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô khi các ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP.
Theo Bộ Xây dựng, phần lớn các mặt hàng VLXD trong năm 2023 đều ghi nhận mức suy giảm so với năm trước về cả sản lượng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.
Cụ thể, sản lượng xi măng sản xuất năm 2023 ước đạt 89,4 triệu tấn, giảm 5,45%; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6%; trong đó, tiêu dùng nội địa giảm 10% và xuất khẩu gần như đi ngang.
Sản lượng gạch ốp lát sản xuất đạt 386,5 triệu m2, giảm 15%; sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m2, giảm 25%. Tương tự, sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm 25%. Vật liệu kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2%.
Trong khi đó, giá VLXD vẫn tăng cao dù thị trường ảm đạm. Biến động giá mạnh nhất thuộc về mặt hàng thép xây dựng.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), có thời điểm giá thép lên đến gần 16 triệu đồng/tấn trong quý 1/2023. Quý 4/2023, giá mặt hàng này đã giảm xuống 13,5 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và quay trở lại xu hướng tăng trong 3 tháng đầu năm 2024.
Mặt hàng xi măng sau các đợt tăng giá liên tiếp trong năm 2022 thì hiện nay đang giữ ổn định. Giá xi măng tại khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn do chi phí vận chuyển và số lượng nhà máy sản xuất ít hơn.
Riêng với vật liệu đắp nền đường các dự án đường cao tốc khu vực phía Nam, do địa hình thấp nên nhu cầu vật liệu đắp nền lớn nhưng nguồn cung lại không thể đáp ứng. Giá VLXD tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của các công trình, khiến giá bất động sản cũng tăng theo.
Giá vật liệu biến động liên tục cũng gây gián đoạn tiến độ thi công do đội vốn, buộc chủ đầu tư và nhà thầu phải tính toán lại chi phí xây dựng.
Theo khảo sát của Vietnam Report, các khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp VLXD đang đối mặt bao gồm: Tình trạng hạn chế tài chính của người mua do kinh tế tăng trưởng chậm; biến động giá nguyên vật liệu, VLXD; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; bất cân xứng cung - cầu.
Động lực phục hồi
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính (trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay…), các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và đầu tư công được đẩy mạnh được coi là động lực cho sự phục hồi của ngành VLXD trong năm 2024
Vietnam Report cũng chỉ rõ những động lực cho sự phục hồi của ngành xây VLXD trong năm 2024 chủ yếu đến từ các yếu tố ngoại lực.
Đầu tiên, lực đẩy lớn cho thị trường VLXD đến từ những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai.
Việc những dự án đầu tư công lớn đang triển khai như các đường vành đai, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường.
Tuy nhiên, nhu cầu VLXD từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung hiện nay. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng cần mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những tín hiệu tích cực về ổn định chính trị, môi trường đầu tư tốt, cũng như các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI kỳ vọng sẽ tiếp tục được đổ về, tạo đà bứt phá cho thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản và từ đó đưa thị trường VLXD bật tăng trở lại.
Ngoài ra, việc phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD cũng được kỳ vọng sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp tạo ra những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Thúy Hà