TNV - Nhạc sĩ Phó Đức Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, sau thời gian chiến đấu với trọng bệnh, vừa qua đời vào ngày 19/9. Ông ra đi, để lại niềm tiếc thương s âu nặng đối với gia đình, giới văn nghệ sĩ, cùng đông đảo người yêu nhạc trong và ngoài nước.
Cố nhạc sĩ Phó Đức Phương (23/7/1944 – 19/9/2020) đã có những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
Sinh năm 1944, nhạc sĩ Phó Đức Phương từ giã cõi tạm ở tuổi 76, nhưng đã có gần 54 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Những nhạc phẩm của ông mang đậm âm hưởng dân ca, trữ tình, lãng mạn, rất gần gũi với cuộc sống đời thường, nhưng cũng giàu tính triết lý, logic của Toán học. Bằng những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về văn học, nghệ thuật đợt 1, năm 2001.
Là người có duyên từng làm việc, gắn bó với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Phạm Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Thừa Thiên Huế cho biết: “ Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người rất tình cảm, nội tâm và luôn gần gũi, quan tâm, bảo vệ, lo lắng cho anh em nhạc sĩ trong cuộc sống, đặc biệt là về bản quyền âm nhạc. Đây là một động lực quan trọng cho các nhạc sĩ trong cảm hứng sáng tác và đôi lúc đây lại là nguồn thu nhập chính của một số nhạc sĩ. Nhớ lại giai đoạn trước đây, ông từng đi khắp nơi, khắp mọi nẻo đường, từng góc phố liêu xiêu, gặp ai, ông cũng giới thiệu “đây là bạn của tôi”. Vì vậy, khi hay tin ông lìa xa dương thế, sự đau xót của cộng đồng dành cho ông rất lớn, nhiều lời chia buồn gửi đến gia đình ông tràn ngập trên mạng xã hội. Riêng tôi, không thể nào quên được hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương ôm từng tập hồ sơ đi gõ cửa nơi này chốn kia, năm này qua tháng khác, để đấu tranh cho tác quyền âm nhạc, với kết quả ban đầu đã không mấy khả quan, mà còn gánh chịu không ít sự dèm pha của thế sự. Tuy vậy, ông không nản lòng, mà cứ kiên trì đeo đuổi, để đặt từng viên gạch nền đầu tiên, xây dựng nên một Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lớn mạnh như ngày nay. Thế đấy, một Phó Đức Phương bằng sự nhiệt tình cách mạng, với cả tâm huyết nghệ thuật cháy bỏng, luôn hết lòng, hết sức cống hiến cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, mà không mảy may bận tâm đến quyền lợi cá nhân mình, cho đến những phút cuối đời”.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chụp hình lưu niệm cùng NSƯT Quế Trân trong một chương trình nghệ thuật.
Cũng theo nhạc sĩ Phạm Phước Nghĩa, bài hát cuối cùng do nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác được mang tên Tửu ca, đề tên tác giả NNUR, viết tắt từ cụm từ Những người uống rượu. Khi đi đâu, ông cũng say sưa hát bài này, như là hát cho chính cuộc đời mình: “ Thôi trút đi gánh nặng đường xa, Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta”. Và theo quan điểm riêng của mình, nhạc sĩ Phó Đức Phương bộc bạch: “Trừ các trường hợp có những cảnh báo của các bác sĩ về sức khỏe, tôi mong các bạn rượu của mình mãi giữ được thể lực và phong độ, để ít ra cũng được vui với nhau, lấy lại sự cân bằng của nhịp sống và biết đâu, xa hơn nữa, có thể “ngộ” ra điều gì đó chăng?”. Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa này, dường như đã được chính ông tiên liệu từ trước. Ông từ giã cõi tạm với sự lạc quan, thanh thản, nhẹ nhàng như là “ta về nhà ta”.
Còn đối với ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thì cảm nhận: “Mỗi ca sĩ khi thể hiện tác phẩm âm nhạc, cần có sự thấu cảm, trải nghiệm thật sâu sắc những nội hàm mà tác giả muốn gửi gắm. Riêng đối với nhạc sĩ Phó Đức Phương, mỗi tác phẩm của ông đều có sự chắt lọc tinh tế trong từng ca từ, giai điệu, khiến người nghe liên tưởng đến cội nguồn quê hương và cũng có ca khúc làm ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dung dị, cùng với những khát khao, mong chờ một tình yêu cháy bỏng. Hơn hết, là cuộc đời mỗi con người được nhạc sĩ Phó Đức Phương gửi gắm vào hồn quê hương, như mạch sống không ngừng chảy, mang cả tình người, tình đất vào trong từng tác phẩm. Mỗi bài hát của ông là một bức tranh đặc tả, bằng sự tinh tế của âm nhạc vùng miền, đã khơi gợi cho chúng ta niềm tự hào về quê hương, đất nước và dân tộc Việt Nam”.
Nhạc sĩ Phạm Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Thừa Thiên Huế (người bìa trái).
Trầm ngâm một lúc, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng tiếp tục chia sẻ trong niềm xúc động: “Di sản của nhạc sĩ Phó Đức Phương để lại là những tác phẩm sống mãi với thời gian. Và chính những nhạc phẩm bất hủ này sẽ nhắc nhở chúng ta, nhất là lớp nghệ sĩ trẻ như tôi, luôn trân trọng những gì mà nhạc sĩ Phó Đức Phương đã cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà”.
“Nhạc sĩ Phó Đức Phương là tác giả của nhiều ca khúc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc có màu sắc dân gian đương đại, phát triển đậm nét tinh hoa của chất liệu âm nhạc vùng miền như: quan họ, ca trù, hát xoan... Mỗi bài hát là lời kể về những câu chuyện tình trên dòng sông, ngọn núi, chất chứa hồn cốt dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, những con sông trong nhạc phẩm của Phó Đức Phương luôn mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, thể hiện được đặc trưng của làng quê, xứ sở Việt Nam, như các ca khúc: Con sông tuổi thơ, Dòng sông ký ức, Lội dòng sông quê và đặc biệt là bài hát Chảy đi sông ơi đã sống mãi trong lòng người nghe cùng năm tháng”, ca sĩ Phan Thu, Trưởng đoàn ca múa nhạc Hương Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét.
Dòng sông vốn là hình ảnh tự nhiên, từ lâu đã trở thành hình tượng nghệ thuật của nhiều văn nghệ sĩ trong thơ ca, nhạc hoạ, thậm chí, dòng sông có lúc còn được ví von như một biểu tượng của hồn quê đất nước Việt Nam.
Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến một phần qua đặc trưng của nền văn hóa sông nước. Con sông với hai bờ, bên lở bên bồi, như hai thái cực âm – dương, sinh – diệt, được – mất, vui – buồn, thiện – ác,… hiện diện trong dòng chảy cuộc đời mỗi con người. Riêng dòng sông trong các ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương cứ chảy hoài theo năm tháng, như quy luật “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Vì lẽ đó, để tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa này, mỗi chúng ta hãy an nhiên đón nhận những nhân duyên từ cuộc sống thường ngày và lặng nghe dòng sông nghệ thuật trong tâm thức của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương cứ ngân nga, cuồn cuộn chảy mãi không thôi vào lòng đất mẹ.
Lê Thanh