TNV - Nằm trong chuỗi sự kiện “ Hành trình về miền di sản – Thánh địa thiền phái Trúc Lâm”, sáng ngày 28/11 tức ngày 14/10 năm Canh tý (2020) vừa qua, UBND thị xã Đông Triều phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức lễ rước và an vị tượng Phật ngọc tại Chùa Quỳnh Lâm - Đệ nhất danh lam cổ tích tại phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến, lễ Hô thần nhập tượng sẽ diễn ra vào ngày 11/12, tức ngày 27/10 năm Canh Tý - 2020.
Đoàn rước có sự tham gia của các đội nghi thức bao gồm 100 lá cờ Hội, 100 lá cờ Phật giáo, các đội nghi trượng, bát bửu, sinh tiền Kiệu long đình, 8 đội Tế của các địa phương lân cận; cùng các vị đại diện lãnh đạo tỉnh và thị xã Đông Triều, đông đảo các tăng, ni, phật tử cùng hơn 20.000 quần chúng nhân dân trên địa bàn thị xã, các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn (Trưởng ban Quản lý khu di tích nhà Trần – thị xã Đông Triều) cho biết: Pho tượng Phật bằng ngọc ngồi thiền trên tòa sen trong tư thế liên hoa tọa, thần thái đầy từ bi. Với ý nghĩa, những ai có cơ duyên chiêm bái Phật ngọc sẽ có được bình an trong tâm hồn, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho quốc thái dân an và sự bình an cho nhân loại.
Được biết, tượng Phật ngọc có trọng lượng 3,8 tấn, cao 2,2m, là pho tượng Phật Thích Ca làm bằng ngọc thạch nguyên khối có nguồn gốc từ Canada và được các nghệ nhân người Nepal, Ấn Độ và Thái Lan tạo tác, hoàn thiện theo nguyên mẫu tượng Phật Thích Ca tại thánh địa Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ) thành kim thân Đức Phật. Mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc phải thể hiện được sức điêu dụng và thần sắc của Đức Phật đúng với mô tả về 32 tướng huyệt hảo trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
Pho tượng Phật ngọc gồm 5 phần ghép lại là: Kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát. Ngoài ra, cùng với tượng là 2 vòng hào quang đường kính khoảng 1m bằng ngọc màu xanh, được thiết kế mỹ thuật.
Việc cung rước tượng Phật ngọc về chốn Tổ Quỳnh Lâm (Học viện Phật giáo đầu tiên của cả nước thời Trần) sẽ tạo khí thiêng và điềm lành cho vùng đất Đông Triều, tạo cơ hội mới và điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể Khu di tích nhà Trần; góp phần đẩy mạnh kết nối không gian văn hóa, kết nối du lịch giữa khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều với di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), di tích - danh thắng Yên Tử, Bạch Đằng, Cửa Ông, Vân Đồn của Quảng Ninh, trở thành điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế.
Phạm Quỳnh