Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận diễn ra ngày 28/4, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư với tổng số vốn dự kiến đầu tư là 120.000 tỷ đồng.
Trong đó, 7 dự án nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm 3 dự án trong lĩnh vực sản xuất gồm Dự án Nhà máy dệt nhuộm Ninh Thuận của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt (637,9 tỷ đồng); Dự án Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương (200 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát của Công ty cổ phần Nước giải khát nhiệt đới Sài Gòn (100 tỷ đồng).
Hai dự án về năng lượng gồm Dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (1.730 tỷ đồng); Dự án Công trình phong điện Việt Nam Power số 1 của Công ty Palatial Global Inc (1.700 tỷ đồng).
Hai dự án còn lại là Dự án Trung tâm thương mại Go Ninh Thuận của Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nhật (276,5 tỷ đồng) và Dự án Trường mầm non và Trường phổ thông Ischool Ninh Thuận của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển học đường Quốc Tế (235,6 tỷ đồng).
14 dự án được trao chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.
UBDN tỉnh Ninh Thuận cũng trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư đối với 7 dự án. Trong đó có 1 dự án về lĩnh vực bất động sản là Dự án Khu công nghiệp Cà Ná của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Trung Nam Cà Ná.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững, với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển.
Đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại; hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước…
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, theo Quy hoạch, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, lấy kinh tế biển và kinh tế đô thị làm động lực phát triển.
Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược nối liền 3 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch; nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang); có Vườn quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa còn nguyên vẹn; có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng (Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương).
Diệu Trang