Ảnh minh họa.
Theo MBS, lãi suất đầu vào tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong tháng 12 với 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1% - 0,3%/năm. Xu hướng tăng này được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 12 đã tăng 15,08% so với cuối năm 2023 – vượt mục tiêu NHNN đặt ra là 15%.
Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Do đó, điều này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 12 của MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại đạt mức 5,1% (cao hơn 0,2 điểm % so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 0,26 điểm % so với đầu năm...
Do đó, nhóm phân tích không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào. Tuy vậy, NHNN đã đưa ra chỉ đạo về việc ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
"Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 5 - 5,2% trong năm 2025", MBS cho hay.
Anh Mai