Nếu chiến tranh nổ ra, mức độ tàn khốc sẽ lớn hơn so với giai đoạn trước
Việc Nga tập trung quân dọc theo biên giới Ukraine đã khiến phương Tây lo âu trong tháng qua. Giới quan sát quân sự nhận thấy những động thái quân sự khác với biểu hiện của cuộc diễn tập thông thường: Các bệnh viện dã chiến mới, việc vận chuyển tầm xa các xe thiết giáp và các khẩu pháo…
Binh sĩ Ukraine luyện tập bên trọng pháo. Ảnh: Anadolu.
Không rõ đây là hoạt động nghi binh đánh lạc hướng hay khúc dạo đầu của một cuộc leo thang thực sự. Tuy nhiên, các động thái này đã giúp Nga gửi đi thông điệp rằng nếu một cuộc chiến tranh quy mô lớn nổ ra thì Nga đã sẵn sàng tung những cú trời giáng lên đối thủ của mình.
Michael Kofman, nghiên cứu viên hàng đầu tại hãng CAN, nhận định: Nga đang tỏ ra rằng cuộc chiến tiếp theo với Ukraine sẽ lớn hơn và mang lại thất bại lớn hơn cho phía lực lượng Ukraine.
Theo Koftman, Nga đang cố gắng cho cả thế giới thấy việc chuyển quân và tập trung quân của mình.
Tất nhiên thông điệp của Nga đã chạm tới các quan chức Mỹ và NATO – những người đã tái khẳng định sự ủng hộ cho Kiev và kêu gọi Moscow giảm leo thang căng thẳng.
Kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang ở Ukraine vào năm 2014, quân đội của cả Ukraine và Nga đã chuẩn bị cho kịch bản xảy ra chiến tranh quy mô lớn hơn. Trong các năm qua, lục quân Nga đã hiện đại hóa đáng kể, tham chiến ở Syria và triển khai lâu dài dọc theo biên giới Ukraine-Nga. Về phần mình, Ukraine cũng “tút tát” lực lượng quân sự của mình. Quân đội Ukraine đã có thực chiến ở miền đông nước này trong suốt 7 năm qua. Chính phủ nước này đã thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế để đối đầu với lực lượng láng giềng có nguồn lực vượt trội.
Mykola Bielieskov – một nhà phân tích quân sự ở thủ đô Kiev, đánh giá: “Chúng ta đã làm những gì tốt nhất có thể”. Theo ông này, quân đội Ukraine đã có những cải thiện về lượng, xét về quân sô, hệ thống pháo binh, phòng không và máy bay chiến đấu.
Quá trình xây dựng lực lượng nói trên của Ukraine vẫn có hạn chế về khía cạnh máy bay không người lái (UAV), thiết bị liên lạc an toàn, và hiện đại hóa xe tăng chiến đấu. Tuy nhiên, theo Bielieskov, Ukraine đã bảo dưỡng tốt hơn kho vũ khí từ thời Liên Xô.
Quân đội Ukraine được nâng cấp đáng kể, nhưng dường như vẫn chưa theo kịp tình hình
Vào đầu cuộc chiến 2014, quân đội Ukraine ở trong thế bị động khi tham chiến. Đa số binh sĩ Ukraine khi ấy dường như không thể thực hiện mệnh lệnh, và nhiều trang thiết bị, bao gồm cả xe thiết giáp và máy bay, không sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu. Trong giai đoạn đầu, các tiểu đoàn tình nguyện đã đảm nhiệm vụ nơi tiền tuyến, còn quân đội chính quy Ukraine theo lời Bielieskov là khá “te tua”. Khi ấy, ông này nhận định rằng “cứ đà này thì quân đội Ukraine chẳng còn tồn tại nữa”.
Kể từ giai đoạn 2014 đó, chi tiêu quốc phòng tại Ukraine đã tăng từ 1,9 tỷ USD lên 4,7 tỷ USD, cho phép Ukraine xây dựng tới 38 lữ đoàn (trong đó có các lữ đoàn pháo binh). Ukraine đầu tư nhiều cho pháo binh sau khi các trận chiến giai đoạn 2104-2015 cho thấy quân đội Ukraine bị áp đảo về vũ khi trước hỏa lực tầm xa có UAV dẫn đường của đối phương – hỏa lực gây ra tới 80% số thương vong trong binh lính Ukraine. Kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện đã cải thiện trong lực lượng vũ trang Ukraine theo thời gian. Một nhà cựu ngoại giao ở Kiev cho biết đây là cuộc cải biến lớn trong quân đội Ukraine.
Tuy nhiên nước Nga láng giềng vẫn duy trì một lực lượng quân sự lớn hơn và hiện đại hơn. Nếu tính bằng đồng USD thì chi tiêu quân sự của Nga lớn gấp 10 lần của Ukraine.
Bielieskov ước tính, nếu Nga ra tay tổng lực thì họ có thể áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau, mở các cuộc công kích sử dụng không quân, đặc nhiệm, và lính dù, cùng tác chiến điện tử.
Trong kịch bản xấu nhất đối với họ, giới hoạch định quân sự của Ukraine có thể đặt hy vọng vào việc gia tăng tổn thất cho bên tiến công, có thể bằng tác chiến đô thị và tác chiến du kích. Khi ấy, Bielieskov nói, quân chính quy Ukraine phải gây tổn thất lớn nhất cho đối phương rồi chuyển sang “kháng chiến”.
Nhận được nguồn lực đáng kể, lực lượng Ukraine đã trở nên hiệu quả hơn ở Donbas.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng Ukraine có thể rơi vào thế bất lợi nếu bị công kích từ 2 mặt trận, có thể là từ hướng Crimea và từ phía bắc, nơi Nga đã xây dựng được một căn cứ chỉ cách biên giới có 150 dặm. Nơi đây Nga có xe tăng, pháo, và thậm chí cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Kofman cho biết, quân đội Nga giờ cũng đã tiến bộ nhiều, có vị thế khác hẳn với giai đoạn 2014-2015, với cấp độ hiện đại hóa rất cao. Theo Kofman, quân đội Nga có kinh nghiệm huấn luyện, chiến đấu, đã triển khai mới các đội hình chiến thuật dọc theo biên giới với Ukraine, cũng như mở rộng năng lực hậu cần.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Nga có thể sẽ lựa chọn phương án về một xung đột“ngắn và sắc”, tránh sa vào một cuộc chiến kéo dài liên quan đến lãnh thổ.
Kofman nhận định, quân đội Nga vẫn áp đảo đáng kể quân đội Ukraine về số lượng vũ khí và số lượng quân nhân./.
Trung Hiếu/VOV.VN lược dịchNguồn: The Guardian