Dự đoán khủng hoảng Nga-Ukraine sau 6 tháng xung đột

Thứ ba, 23/08/2022 - 08:53

Sáu tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cuộc xung đột hiện nay đã trở thành một chiến dịch dồn dập với các cuộc không kích và pháo kích hàng ngày cùng các trận chiến không có kết cục rõ ràng.

Phần lớn phía Đông và phía Nam của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga, khiến Kiev mất quyền kiểm soát các cảng ở Biển Đen – cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa và là huyết mạch của nền kinh tế Ukraine

Trong khi đó, Nga cũng phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dù vậy không nhiều người kỳ vọng Moscow sẽ sớm kết thúc chiến dịch quân sự hay từ bỏ các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine.

Binh sĩ Ukraine di chuyển bằng xe tăng ở khu vực Donbass, ngày 21/6/2022. Ảnh: AFP

Xung đột có thể kéo dài nhiều năm

Cả Nga và Ukraine đều phải gánh chịu những thiệt hại về người và của, nhưng cả hai bên dường như không sẵn sàng xem xét một lệnh ngừng bắn.

Ông Konstantin Kalachev, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Moscow, cho biết: “Trong trường hợp như vậy, không ai có thể giành chiến thắng. Chiến dịch quân sự đặc biệt này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm”.

“Nga đang hy vọng giành chiến thắng bằng cách khiến đối phương tiêu hao nguồn lực... Thời gian không đứng về phía Ukraine, nền kinh tế của nước này có thể sụp đổ”, ông Kalachev nói thêm.

Bà Marie Dumoulin, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây cũng sẽ khiến một trong hai bên khó có thể lùi bước ở thời điểm hiện nay.

“Đôi bên nghĩ rằng họ vẫn có thể tạo ra một lợi thế quân sự, vì vậy khó có khả năng xung đột sẽ sớm kết thúc”, bà Dumoulin nhận định.

Nga tuyên bố một trong những lý do nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine là do sự mở rộng của NATO về gần biên giới Nga, khiến bất kỳ khái niệm “thất bại” nào cũng là điều Moscow không thể chấp nhận được.

Nga có thể “trừng phạt” mong muốn của Ukraine hội nhập sâu hơn với EU bằng cách tiến về phía cảng chính của Odessa, khiến Ukraine không thể tiếp cận đường biển, từ đó bóp nghẹt xuất khẩu của Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sẽ tìm cách đạt được những thành công chiến thuật, tương tự như vụ đánh chìm tàu tuần dương tên lửa Moskva hồi tháng 4, hoặc thậm chí có thể phản công để giành lại lại một số khu vực.

Khả năng kháng cự của Ukraine

Viện trợ vũ khí và thông tin tình báo quân sự từ châu Âu và Mỹ đã giúp Ukraine làm chậm đà tiến của quân đội Nga ở Donbass và dọc theo bờ Biển Đen, nhưng không thể chặn đứng hoàn toàn đối phương. Mặt khác, chính điều đó cũng cho phép Nga củng cố các vị trí của mình.

Cho đến nay, những lời kêu gọi của ông Zelensky, muốn phương Tây cung cấp thêm nhiều vũ khí tiên tiến hơn và mạnh mẽ hơn đã không thành công.

Nhà nghiên cứu Dimitri Minic tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở Paris cho rằng tinh thần của người Ukraine sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà phương Tây viện trợ.

Thời tiết lạnh giá khi mùa đông đến sẽ thử thách quyết tâm của Ukraine khi họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, mất điện hoặc bị cắt nguồn sưởi ấm cùng nhiều khó khăn khác.

Theo bà Dumoulin, 40% số trường học của Ukraine sẽ vẫn đóng cửa khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9 tới. Điều này có thể gây ra áp lực tâm lý nặng nề đối với người dân.

Tác động đối với nền kinh tế Nga

Nga dường như sẵn sàng trả chi phí cho một cuộc chiến tiêu hao dài.

Các đồng minh của Ukraine đã tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng cách dần từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế nhập khẩu và buộc nhiều công ty phương Tây phải rời khỏi thị trường Nga.

Tuy nhiên “doanh thu xuất khẩu, chủ yếu từ dầu, khí đốt, than và các mặt hàng khác, không hề giảm mà còn còn vượt quá mong đợi”, ông Chris Weafer, một nhà phân tích lâu năm về Nga tại tổ chức tư vấn Macro-Advisory cho biết.

Nga đã phải chịu nhiều đòn trừng phạt kể từ sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và Moscow đã sớm tìm các nguồn cung mới cho các ngành công nghiệp và từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc châu Á.

“Nền kinh tế, ngành công nghiệp và người dân Nga đã có 8 năm để thích ứng và tìm cách đối phó với các biện pháp trừng phạt để ngày nay, họ được chuẩn bị tốt hơn và khả năng tự cung cấp cao hơn, mặc dù ở cấp độ cơ bản”, ông Weafer đánh giá.

Tuy nhiên, tác động ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt có thể sẽ nhận thấy rõ ràng hơn trong những năm tới, do Nga chuyển các nguồn quỹ từ đầu tư sang nỗ lực chiến tranh và các công ty nước ngoài vẫn còn nhiều lo ngại.

“Tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể nhận thấy rõ ràng và đầy đủ trong khoảng 5 năm tới”, ông Kalachev nói.

Những kịch bản có thể xảy ra

Nếu cuộc xung đột chìm vào “vũng lầy mùa đông” và kéo dài sang năm 2023, phần lớn tình hình sẽ phụ thuộc vào việc phương Tây có thể duy trì mức độ hỗ trợ Ukraine như hiện nay hay không, đặc biệt là nếu cử tri cảm thấy cái giá phải trả ngày càng cao, không kém sự leo thang của giá lương thực và nhiên liệu.

“Có lẽ sẽ đến lúc Nga đánh vào sự mệt mỏi của phương Tây và mở ra một số cơ hội để thúc đẩy các nhà lãnh đạo phương Tây gây áp lực với Ukraine nhằm chấm dứt cuộc xung đột theo các điều khoản của Nga”, bà Dumoulin dự đoán.

Nếu các đồng minh tiếp tục cung cấp viện trợ và vũ khí, lợi thế quân sự của Nga có thể bị xói mòn./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo AFP