Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI có nhiều giải pháp, chiến lược mang tính đột phá cao

Thứ ba, 13/10/2020 - 08:53

TNV -Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có nhiều giải pháp, chiến lược mang tính đột phá cao, để phù hợp với tình hình thành phố đang đối mặt với nhiều áp lực không nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác lập nhiều giải pháp chiến lược, mang tính đột phá cao, phù hợp với xu hướng thời đại, có thể kể đến những vấn đề chủ yếu như sau:

Thứ nhất , dự thảo đã xác định quan điểm và phương hướng phát triển thành phố phải “tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới”. Trong phần nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đã thể hiện một định hướng xuyên suốt trong việc “ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động”, nhằm tạo ra một luồng sinh khí mới trong chiến lược phát triển kinh tế thành phố. Vấn đề “tăng trưởng xanh” được đặt lên hàng đầu, đi kèm với việc phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố. Lĩnh vực dịch vụ cũng được xác định không còn đầu tư tràn lan, mà tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại và logistics. Lĩnh vực công nghiệp ưu tiên các sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và xây dựng mô hình “nông nghiệp đô thị hiện đại”. Điểm mới trong chiến lược phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ này là nói đậm về phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển, nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư vào hoạt động kinh tế biển, như du lịch, dịch vụ giải trí về biển, khai thác năng lượng từ biển…

Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Saigon Co.op phát biểu trong chương trình làm việc giữa Liên minh HTX Việt Nam với Saigon Co.op về kế hoạch hợp tác, liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trong cả nước, vào đầu tháng 10/2020.

Thứ hai, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề năm 2020 được chọn là về xây dựng văn hóa, nhằm gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.Đây là sự chuẩn bị cho những giải pháp mang tính dài hơi về chiến lược phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của thành phố. Dự thảo Báo cáo chính trị khóa XI của Đảng bộ thành phố đã đề cập vấn đề này khá cụ thể.

Cụ thể, môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao được xác định phải xây dựng, hoạt động để đáp ứng theo “nhu cầu thụ hưởng của người dân và phát huy đặc trưng của con người thành phố”. Sức khỏe người dân được nâng cao toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc tăng tuổi thọ, mà còn cải thiện cả về tầm vóc, tinh thần và chất lượng cuộc sống, thông qua các giải pháp căn cơ về phát triển chuyên sâu lĩnh vực y tế, áp dụng tối đa công nghệ cao vào việc chăm sóc sức khỏe, tầm soát, chữa bệnh cho người dân…

Các Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP. Hồ Chí Minh trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ thành phố.

Thứ ba, trong công tác quản lý và phát triển đô thị, dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu một bước chuyển quan trọng từ “giảm ô nhiễm môi trường và công tác quản lý tài nguyên” sang “tập trung xây dựng thành phố sạch và xanh, thân thiện với môi trường”. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Thành ủy đối với việc bảo vệ môi trường sống cho người dân. Có thể nhận thấy sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của lãnh đạo thành phố cho phù hợp với từng bước đi, từng giai đoạn cụ thể, nhất là qua việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thỉ số 19-CT/TU vào ngày 19-10-2018 về về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Hay việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác triệt để và “phát triển mảng xanh đô thị, năng lượng xanh, giao thông xanh, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững” được nêu bật trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này.

Thứ tư, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được đề ra nhiều giải pháp rất căn cơ và quyết liệt. Trong đó, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu được tiếp tục đặt ra và được xem như là một giải pháp trọng yếu. Công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí cán bộ lãnh đạo cũng được xác định ưu tiên cho đối tượng nữ giới, trẻ tuổi hoặc xuất thân từ công nhân, điều này thể hiện tính nhân văn cao trong công tác cản bộ của Đảng. Việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được dự thảo nêu cụ thể, phù hợp và đón đầu được xu hướng hội nhập hiện nay. Dự thảo cũng có nhiều giải pháp khả thi, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bên cạnh HĐND, UB MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, thì vai trò giám sát, đấu tranh của báo chí cũng được khẳng định mạnh mẽ. Khái niệm “tăng cường kiểm tra, kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ” được nêu ra, trên cơ sở đúc kết sâu sắc từ thực tiễn của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ qua…

Công tác tuyên truyền chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tại các siêu thị Co.opmart trực thuộc Saigon Co.op.

Tuy nhiên, để dự thảo Báo cáo chính trị được hoàn thiện hơn, là ánh sáng soi đường cho Đảng bộ và nhân dân thành phố vững bước tiến công trong thời gian tới, xin gửi đến Đại hội một số đề xuất:

Một là, phần thứ nhất của dự thảo Báo cáo chính trị có nêu “tổng số hợp tác xã đã tiến hành tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã 2012 là 328/334 hợp tác xã (chiếm tỉ lệ 98,2%), còn lại 06/334 hợp tác xã (chiếm tỉ lệ 1,8%) là những hợp tác xã chưa tổ chức lại. Các hợp tác xã chưa thực hiện tổ chức lại do nguyên nhân đang ngừng hoạt động hoặc cơ cấu hướng sang mô hình khác hoạt động. Hiện còn một Liên hiệp Hợp tác xã thuộc lĩnh vực thương mại (Saigon Co.op) vẫn đang tiến hành tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã 2012”. Với mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ tới là tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế hợp tác xã đạt 7%/năm, tỉ trọng đóng góp vào GRDP thành phố 0,5%, thu hút thêm 30.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã, vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể hơn để củng cố, phát triển các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã hiện có, nhất là đơn vị Saigon Co.op hiện còn chưa hoàn thiện mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Hiện doanh thu của Saigon Co.op mỗi năm bình quân trên 1,5 tỉ USD, có gần 20.000 lao động, có mạng lưới rộng khắp cả nước, là đơn vị tiên phong trong công tác bình ổn giá và tạo nên giá trị an sinh, ổn định đời sống xã hội… Vì vậy, thành phố cần quan tâm tái cấu trúc Saigon Co.op, với những cơ chế pháp lý, lộ trình, giải pháp, cùng những chính sách hỗ trợ cần thiết, nhằm giữ vững thương hiệu kinh tế tập thể hiệu quả, đảm bảo phát triển hài hòa cơ cấu giữa các mô hình kinh tế của thành phố.

Các Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP. Hồ Chí Minh trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.

Hai là, dự thảo Báo cáo chính trị nêu công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả; trong phần hạn chế, yếu kém, dự thảo cũng nêu “việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt yêu cầu”. Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, thành phố có 36 doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và 2 doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không nên nóng vội, mà cần được xem xét, tiến hành các bước thật thận trọng. Thành ủy nên giao cho các cơ quan chuyên môn trình lãnh đạo thành phố duyệt từng phương án, lộ trình, nội dung đối với từng doanh nghiệp cụ thể, nhằm hạn chế tiêu cực trong việc góp vốn, thoái vốn.

Ba là, trong công tác quản lý và phát triển đô thị, phải thực hiện đồng bộ với định hướng “phát triển xanh”. Cần kiên quyết bảo tồn và phát triển các khu vực cây xanh, giữ gìn “lá phổi” của thành phố. Đồng thời, quá trình đô thị hóa nông thôn cần có quy hoạch tổng thể, đối với những vị trí có chức năng làm hồ chứa nước cho thành phố, thì nhất định không được cấp phép xây dựng, nhằm góp phần làm giảm tình trạng ngập nước đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đang càng ngày nghiêm trọng, lãnh đạo thành phố cần xem xét đẩy nhanh các tiến độ xây cầu vượt, mở mới đường; cần thiết, nên xây dựng đường 2 tầng ở những tuyến giao thông trọng yếu. Đối với những dự án, công trình giao thông còn chậm hoặc khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thành phố có thể tạo cơ chế đặc thù về việc điều chỉnh đơn giá đền bù cho phù hợp hơn, hoặc có chính sách tái định cư hợp lý hơn cho người dân.

Bốn là, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dự thảo Báo cáo chính trị có nêu lên một số hạn chế, như: “Công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, trong giảng viên, sinh viên, phóng viên, biên tập viên, nông dân, công nhân trực tiếp sản xuất còn nhiều hạn chế. Nhiều khu chung cư, cao ốc trên địa bàn thành phố chưa có tổ chức đảng. Tỉ lệ đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, xin ra khỏi Đảng có xu hướng tăng”.Vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng; các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy cấp trên cơ sở nên giao nhiệm vụ này đến từng chi bộ, có kết hợp với việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn về phương pháp, nghiệp vụ phù hợp…

Dự thảo Báo cáo chính trị để trình Đại hội là cơ sở khoa học, là kim chỉ nam cho Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện sứ mệnh quan trọng đối với Nhân dân thành phố, cũng như cả nước. Do đó, nguyện vọng chung của đông đảo cán bộ, đảng viên, bà con Nhân dân luôn muốn gửi gắm tình cảm, mong mỏi, ý chí, niềm tin vào sự quyết định sáng suốt, đúng đắn của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, vì mục tiêu xây dựng thành phố phát triển bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước và khu vực.

Lê Thanh