Đưa Mỹ sang trang mới khỏi kỷ nguyên Trump: Nhiệm vụ khó khăn của ông Biden

Thứ sáu, 22/01/2021 - 08:57

Lãnh đạo một đất nước được định hình bằng những dấu ấn không dễ xóa nhòa trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức của Tổng thống Biden.

Một nước Mỹ “ngổn ngang trăm mối”

Chủ đề bài phát biểu nhậm chức của ông Joe Biden là "Nước Mỹ đoàn kết", một thông điệp được đưa ra vào thời điểm quốc gia này đang chia rẽ gay gắt và sâu sắc.

Ông Biden đã chính thức tuyên thệ là Tổng thống thứ 46 bên ngoài Tòa nhà Quốc hội - 2 tuần sau khi cuộc bạo loạn của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump diễn ra tại đây. 8 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và 139 thành viên của Hạ viện vẫn phản đối việc xác nhận kết quả phiếu đại cử tri của 2 bang sau khi cuộc tấn công trên diễn ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Vox

Những cuộc khủng hoảng đã chia rẽ nước Mỹ ở mức độ chưa từng có, khi mà quốc gia này liên tục ghi nhận những cột mốc buồn trong đại dịch Covid 19, các bang vẫn đang gấp rút triển khai việc tiêm vaccine cho người dân và hơn 18 triệu người đang thất nghiệp. Ông Biden sẽ có nhiều việc cần hợp tác với các nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người từng bỏ phiếu đảo chiều kết quả bầu cử của ông, cũng như bắt đầu nhiệm vụ dẫn dắt một cộng đồng chia rẽ, trong đó có cả những người không tin rằng ông đã chiến thắng cuộc bầu cử vừa qua một cách công bằng và hợp pháp. Đặc biệt, hơn lúc nào hết, các chương trình lập pháp của chính quyền ông Biden đang bị "treo" bởi phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump lần thứ hai ở Thượng viện, vốn sẽ bắt đầu sau khi ông Biden nhậm chức.

Bước vào Nhà Trắng với hy vọng sẽ đưa nước Mỹ sang một trang mới và đoàn kết người dân Mỹ bất kể đảng phái chính trị, nhưng ông Biden sẽ phải lãnh đạo một đất nước được định hình bằng những dấu ấn không dễ xóa nhòa trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Biden nhậm chức khi nhiều thành viên đảng Cộng hòa vẫn công khai đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử, và thậm chí sẵn sàng dẫn ra những cáo buộc chưa có bằng chứng của ông Trump. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của NBC News đã cho thấy 74% cử tri đảng Cộng hòa không tin rằng ông Biden đã chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 một cách hợp pháp.

Những "cơn sóng ngầm" bên trong Quốc hội Mỹ

Ông Biden đã tự khắc họa bản thân như một người có thể hợp tác với các nghị sĩ đảng Cộng hòa để thúc đẩy sự nhất trí lưỡng đảng. Nhiều thành viên đảng Dân chủ, những người vẫn nhớ về nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama vẫn không tin tưởng rằng đảng Cộng hòa sẽ đàm phán một cách thiện chí. Hiện nay, cuộc tấn công vào Tòa nhà Quốc hội vừa qua càng làm sâu sắc thêm sự thiếu tin tưởng của họ.

Đảng Dân chủ hiện chiếm đa số với cách biệt rất mong manh trong cả Hạ viện và Thượng viện. Tại Hạ viện, miễn là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thể duy trì sự đoàn kết trong đảng, bà vẫn có thể thông qua các dự luật bằng những lá phiếu của các nghị sĩ đảng Dân chủ. Trong khi đó, ở Thượng viện, mọi thứ có thể sẽ phức tạp hơn khi lá phiếu của các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là ngang nhau, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris giữ lá phiếu để phá thế hòa.

Về lý thuyết, đảng Dân chủ có thể thông qua một số khoản chi lớn với đa số phiếu qua một quy trình gọi là cân đối ngân sách. Dù vậy ông Biden cho biết ông muốn hợp tác thiện chí với đảng Cộng hòa để xem liệu ông có thể khiến các dự luật lưỡng đảng được thông qua tại Thượng viện với đa số phiếu từ 60 thượng nghị sĩ trở lên hay không.

Tuần trước, ông Biden đã có một sáng kiến chính sách quan trọng đầu tiên, đó là kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD nhằm thúc đẩy việc tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19, theo dõi tiếp xúc và cứu trợ kinh tế ngay lập tức cho các gia đình Mỹ gặp khó khăn.

Phản ứng ban đầu của đảng Cộng hòa với kế hoạch đầu tiên của ông Biden nhằm giảm nhẹ những tác động của Covid-19 không mấy hứa hẹn. Thậm chí thượng nghị sĩ bang Pennsylvania Pat Toomey, người từng kêu gọi ông Trump từ chức sau cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội, đã nói rằng gói cứu trợ 1.900 tỷ USD trên của ông Biden không có triển vọng thành công, cũng như là một sự lãng phí to lớn và gây tổn hại đến nền kinh tế.

Ông Biden sẽ giới thiệu một dự luật khôi phục kinh tế nữa vào tháng tới, tập trung vào việc tái thiết các cơ sở hạ tầng và đưa người lao động Mỹ quay lại làm việc. Tái thiết cơ sở hạ tầng của Mỹ từ lâu đã là một trong số ít vấn đề nhận được sự tán thành từ lưỡng đảng Mỹ nhưng hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Himes không phải là người duy nhất đặt câu hỏi về việc làm thế nào để ông Biden có thể hợp tác với những thành viên đảng Cộng hòa trung thành với ông Trump trong tương lai.

"Những người là trung tâm của việc kích động và châm ngòi cho cuộc nổi dậy trên, làm thế nào để khiến những việc đã qua hãy để nó trôi qua? Chúng tôi thực sự đau đầu với việc này", nghị sĩ Himes cho hay.

Đảng Cộng hòa vẫn là đồng minh của ông Trump

Khi nhậm chức tổng thống, ông Biden đã khẳng định với đảng Cộng hòa rằng mọi thứ có thể sẽ rất khác với những hỗn loạn liên tục dưới thời Tổng thống Trump nếu họ hợp tác với ông.

Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa vẫn chưa sẵn sàng dứt khỏi ảnh hưởng của ông Trump. Tuần trước, chỉ có 10 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu luận tội cựu Tổng thống Trump.

"Điều này dường như là một chiến lược lớn của đảng Cộng hòa kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 11 nhằm làm lu mờ hoặc khiến cho nhiệm kỳ của ông Biden trở nên không hợp pháp bằng cách nói rằng ông trở thành tổng thống là bởi đã có sự gian lận xảy ra", giáo sư nghiên cứu về Khoa học Chính trị của Đại học Denver, ông Seth Masket nhận định.

Không có nhiều thời gian

100 ngày đầu tiên của bất kỳ chính quyền nào cũng là thời điểm quan trọng nhất và chính quyền của ông Biden đang tận dụng khoảng thời gian này để cố gắng kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Covid-19 được đặt lên hàng đầu. Chúng ta không thể làm bất kỳ điều gì cho đến khi chúng ta đối phó được với đại dịch này", Phó Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Jim Clyburn cho hay.

Ông Biden đang có một chương trình nghị sự đầy tham vọng, những ưu tiên lập pháp và các sắc lệnh hành pháp. Gói cứu trợ Covid-19 mà Tổng thống Biden đề xuất được gọi là Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ, đang cân nhắc một khoản ngân sách lớn hơn gấp đôi gói kích thích kinh tế 800 tỷ USD của cựu Tổng thống Obama nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại Suy thoái năm 2008. Ông Biden cũng đang cố gắng đẩy nhanh việc tiêm vaccine Covid-19 với mục tiêu phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên.

Ông Biden cũng dự kiến sẽ đưa ra một dự luật về nhập cư cũng như các gói khôi phục nền kinh tế trong đó có tái thiết cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Tuy nhiên, ngoài những đề xuất bổ nhiệm nội các và các kế hoạch ngân sách của ông Biden, Thượng viện Mỹ cũng sẽ phải tập trung vào phiên tòa luận tội lần thứ hai cựu Tổng thống Donald Trump.

"Tổng thống Trump sẽ lại giữ vị trí hàng đầu và trung tâm. Rồi sẽ lại là những bài phát biểu dài. Tôi nghĩ điều này thật tồi tệ và tôi cho là Biden cũng nghĩ vậy", nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard Theda Skocpol nhận định với Vox.

Đội ngũ của ông Biden đang cố gắng tránh liên quan đến vấn đề luận tội, đồng thời khẳng định việc này hoàn toàn phụ thuộc vào Quốc hội, cũng như nhấn mạnh rằng ưu tiên chính của họ là nhanh chóng để gói cứu trợ Covid-19 được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện.

Tổng thống Biden đang có một khởi đầu với nhiều lợi thế. Ông bước vào Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ là 64%, gần gấp đôi tỷ lệ ủng hộ ông Trump vào những ngày cuối nhiệm kỳ. Ông Biden cũng có những kinh nghiệm và hiểu biết phong phú sau nhiều năm ở Thượng viện.

Tuy nhiên, ông Biden chỉ có 2 năm để các đề xuất dễ dàng được Quốc hội thông qua trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 diễn ra, một sự kiện có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Washington. Đảng Dân chủ có thể mất Hạ viện, hoặc Thượng viện, hoặc cả hai. Nhanh chóng bước sang trang mới thoát khỏi kỷ nguyên Trump sẽ là nhiệm vụ bất khả thi nếu các chương trình nghị sự của ông bị trì hoãn do cuộc luận tội Tổng thống Trump./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Vox