Đừng đề bị đánh lừa

Thứ tư, 29/07/2020 - 09:26

TNV - Chia sẻ một nội dung gì trong thời đại dịch lúc này luôn là một câu hỏi lớn, mà đôi khi người có kinh nghiệm cũng khó tránh khỏi nếu như không bình tâm suy nghĩ, tìm hiểu.

Thật không dễ trả lời vì chúng ta biết quá ít về đại dịch có thể xẩy ra trong hiện tại và tương lai khi việc nghiên cứu vacxin chưa có kết quả; đôi khi vì tâm lý quá lo lắng, lại luôn muốn có một phần trách nhiệm chung với cộng đồng nên chúng ta chia sẻ (share), bày tỏ đồng ý (like) đó là điều tốt đẹp mà công nghệ internet mang lại cho con người.

Với 14 ca nhiễm tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi trong vài ngày trở lại đây, ngay sau đó hàng loạt thông tin giả lan truyền trên mạng, có người đổ vạ cho nước bạn "cài cắm", rồi lại đến "sân bay Đà Nẵng vỡ trận", vào chiều 27.7.2020 trên nhiều facebook còn bịa lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về COVID-19...câu hỏi share gì, like gì lại được đặt ra lúc này.

Cho đến lúc này, cơ quan chức năng chưa có thông tin về nguồn lây nhiễm covid cho các bệnh nhân F1 tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Như vậy, nếu cho rằng có sự "cài, cắm" nguồn lây từ bên ngoài vào thì chưa thỏa đáng vì cơ chế lây bệnh covid phải có nguồn lây, trong khi F1 đã phát bệnh thì chắc chắn trước đó F0 đã phát bệnh (trừ khi F0 có khả năng đề kháng tốt)? nếu không tìm thấy F0 thì nguồn lây cho các F1 từ đâu trở thành câu hỏi hóc búa, một chủng virus mới, từ động vật (cá, chim, dơi...)?

Còn sân bay Đà Nẵng có vỡ trận hay không thì hôm nay đã có câu trả lời, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng thì hiện còn khoảng 3.000 khách du lịch lưu trú, phần lớn hành khách đã trở về địa phương. "Hôm nay, ngành hàng không đã tổ chức hơn 130 chuyến bay đi từ Đà Nẵng để giải tỏa hành khách. Đến cuối ngày 27.7, nhiều chuyến bay khá vắng khách". Tại sân bay Đà Nẵng chiều 27.7, dòng hành khách xếp hàng làm thủ tục bay thong thả, không còn cảnh đông kín như một ngày trước. Từ cuối giờ chiều đến 0h ngày 28.7, sân bay có 30 chuyến bay đưa khách rời Đà Nẵng, trong đó 14 chuyến đi Hà Nội, 16 chuyến bay TP HCM.

Theo dõi thông tin trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Nhân dân Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo chính thống vào chiều và tối ngày 27.7 không có tin tức nào liên quan đến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về COVID-19 như các trang mạng đăng tải (Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói:...). Vậy thông tin giả phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về COVID-19 có mục đích gì? thông tin chắc chắn gây tâm lý bất an, lo lắng, hoang mang trong Nhân dân, hạ thấp uy tín ngành Y tế Việt Nam, đặc biệt là phá hoại nền kinh tế đất nước.

Đại dịch Covid-19 không những gậy thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hàng triệu người trên thế giới, còn là nguyên nhân chính gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế, điển hình rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế hầu hết các quốc gia từ Âu sang Á ở tỷ lệ âm; du lịch, hàng không bị hạ gục không thương tiếc. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đứng bên bờ vực phá sản.

Đối với Việt Nam, ngành du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các hãng hàng không Việt Nam cũng chịu chung số phận. Khi đất nước bước vào “trạng thái bình thường mới”, ngành du lịch cũng bắt đầu triển khai các gói kích cầu với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL phát động ngày 8/5 kéo dài đến 31/12/2020, nhằm kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19 là hướng đi đúng, kịp thời cứu vãn ngành du lịch nói chung, được Nhân dân ủng hộ. Không phải người Việt Nam ham giá rẻ các tour du lịch mà đánh đổi sức khỏe của mình, đây là chương trình lớn do Bộ VH-TT&DL phát động trong điều kiện dịch bệnh đã ở trạng thái bình thường khi gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Người Việt Nam rất có trách nhiệm với chính mình, gia đình, cộng đồng. Sáng nay nhìn dòng người trên các tuyến đường vào trung tâm Sài Gòn hầu như đều tự giác mang khẩu trang y tế, các cơ quan, bệnh viện, công sở, chung cư...đều kích hoạt trạng thái nguy cơ dịch bệnh. Ý thức và trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh lúc này của người Việt Nam không phải ở quốc gia nào cũng có; khi dịch bệnh qua đi việc tham gia các tour du lịch trong nước nhằm góp phần phục hồi kinh tế cũng là trách nhiệm của mỗi công dân chứ sao. Ngành du lịch giảm giá, các hãng hàng không giảm giá, người dân ủng hộ để cùng nhau đưa kinh tế đất nước phục hồi sau đại dịch là hướng đi đúng, trúng, phát huy truyền thống "Khó khăn nào cũng vượt qua".

Dịch bệnh covid-19 chắc chắn còn rất phức tạp, thế giới vẫn đàng gồng mình chống dịch, Việt Nam đã chứng minh được năng lực nội tại của mình từ ca nhiễm đầu tiên cho đến nay. Sự thành công trong công tác phòng chống dịch covid-19 phải kể đến sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân. Trong cuộc chiến tiếp theo trách nhiệm của mỗi công dân trong phòng, chống dịch tiếp tục được phát huy, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các Bộ, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương; chấp hành các khuyến cáo từ Bộ Y tế, cơ quan, đơn vị...

Một trong những việc làm có trách nhiệm hiện nay đối với mỗi cá nhân tham gia cộng đồng mạng phải bình tĩnh, ĐỪNG ĐỂ BỊ ĐÁNH LỪA, suy xét nguồn gốc các thông tin lan truyền trên mạng nhằm lợi dụng công tác phòng chống dịch để kích động tâm lý hoang mang trong Nhân dân, lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá một số mặt hàng thiết yếu; hạ thấp uy tín ngành Y tế, gây nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành từ Chính phủ, phá hoại nền kinh tế còn khó khăn sau đại dịch.

Muốn chiến thắng được đại dịch covid-19, trách nhiệm ở mỗi chúng ta.

Nguyễn Ngọc